Cả Trần Văn cũng phải như không bận tâm gì cả, khi xe Tú đổ bọn
Trần Văn xuống bờ hè đây, nhảy qua những xác đói, len lách vào hàng,
đứng xo xúi chầu chực, rình đợi chỗ ngồi, rồi ăn uống chuyện trò với nhau,
gọi không còn cần biết bao nhiêu lần lấy thức ăn, thay bát đĩa, mặc kệ các
khách khứa để ý đến mình.
Trần Văn phải rẽ ngay ra Ngõ Gạch để thoát mau chốn này. Trần Văn
sẽ đến cái nhà cuối cùng này và cũng là một trong phần trăm may mắn sẽ
gặp Thái Trang. Trần Văn sẽ bảo Thái Trang không đi, mặc mình Huyền
Linh với bọn kia ở dưới xóm cô đầu, Khâm Thiên hay Vạn Thái, để gã
Huyền Linh ác khẩu và chai dạn, thả sức quái quỷ đùa giỡn, đối chọi với
bọn Tú. Cái mành xuệch xoạc viền vải tây điều hẳn hoi của nhà phố Hàng
Đồng nơi lui tới của Thái Trang lại cuộn lên: dấu hiệu bà cụ chủ nhà đi
vắng. Trần Văn khấp khởi thấy cửa lại khép hờ, ngó vô thì chẳng có ai cả.
Trần Văn cứ vào, càng hồi hộp. Chân cầu thang có đôi giày da véc ni sờn
cổ, bít tất tụt ra lòi thòi để nguyên. Trần Văn rén rón qua những bực thang
ọp ẹp, toan òa một tiếng hay vồ lấy người để dọa Thái Trang, thì gặp ngay
cặp mắt quăng quắc của Thái Trang đón sẵn mình với một cái cười rất ác.
Nhưng khi Thái Trang nói, thì lại câu nói rất trân trọng, trìu mến:
- Ông ơi! Sao ông không cứ tự nhiên, mặc kệ tôi. Chúng mình phải
chia nhau đi mà sống các cảnh nhiễu nhương lúc này chứ!
Đến lượt Thái Trang như nghẹn cả người, khi Trần Văn ôm chầm lấy
mình và lắc lắc đầu:
- Sống thế nào, chứ không thể sống như thế này được!
Cũng câu nói này Trần Văn đã nói với Thái Trang khi từ Hải Phòng đi
bộ lên chùa Mây trên núi Ngọc tìm Thái Trang năm ngoái, Thái Trang dọn
một bữa cơm chỉ có bát canh hoa lý nấu với muối và bát mơ dầm, vừa uống
rượu với nhau vừa nghe nhang trầm, hương hoa cau và mùi cây cỏ hoang
tàn ngoài vườn, ngoài đồi như ngợp cả người mình trong một cái lạnh hiu