năm giờ chiều rồi sắp vào bữa cơm! Hay cho dù có bị đánh phá thì nhà có
hầm tăng xê còn rộng và lịch sự hơn cả "xăm" ôten Ga, ngoài Đồ Sơn ô ten
Quần ngựa, khách vừa chạy bom vừa ăn tiệc cũng được... Còn việc này
nữa: Mỹ đổ bộ. Ối giời ôi là giời! Tú ơi, mày mà dè chừng đến cả sự bất
thường ấy, thì đúng là mày muốn phát rồ đấy! Hay mày còn lo cả việc Thy
San sống lại, quyền thế vai vế như những năm xưa thái bình, Nhật ở mãi
tận Tôkyô và Pháp đang hét ra lửa ở Đông Dương?!
Không đầy mười phút, ôtô Tú đã về tới ấp An Sinh. Cố bà Đức Sinh
đang nằm ì ạch cho hai người hầu quạt, nghe tiếng còi liền nhỏm vội dậy:
- Anh Hai hẹn đến hơn hai giờ mà sao về sớm thế này? Chị Hai nó
đem các con sang huyện bên ăn giỗ liệu tối nay có chịu về không?
Áo cánh lụa nhuộm màu mận chín, quần nái thâm, cổ đeo chuỗi tràng
hạt hổ phách, tượng ảnh bằng bạc đã cũ xỉn, cố bà Đức Sinh không chịu ăn
mặc nõn nà như trước nữa, từ ngày vợ chồng Thy San chết. Rồi từ ngày lại
có thêm loạn Tây Nhật, thì cố bỏ cả khăn nhung mà vấn khăn nhiễu tam
giang và mặc yếm như kiểu các đàn bà giàu có thường thôi ở chung quanh.
Các màn tuyn, nệm gấm, gối sa tanh, cố bà cũng bắt cất đi hết cùng các hộp
trầu, bình phóng, tráp khay khảm nạm xà cừ, vàng, bạc...
- Mẹ lại khó ở hay sao mà không ngủ trưa được thế?
Tú rờ rờ trán cố bà, ngồi xuống mép giường. Cố bà cố làm ra vẻ không
để con lo lắng vì mình, nhưng cái giọng vẫn cứ ngàn ngạt kiểu giọng mũi
của người váng vất cảm cúm:
- Con về ở lại nhà tối nay chứ? Cháu Chi nó có khỏe không? Có chịu
ăn cơm không? Con phải thương nó!...
Hai người quạt hầu còn ngoái lại nhìn Tú vuốt vuốt mớ tóc bạc phơ
của mẹ, và đưa mắt cho nhau: