***
Vì kíp quá, ông cụ Hương không sang bên khu An Sơn được mà chỉ bí
mật báo tin và bàn chuyện với hai cụ ở xóm mình và xóm bên, trước kia
cũng đi ở cho chủ Tây Tạc tà. Một cụ chuyên chăn bò, một cụ làm vườn rau
chăn dê.
Vừa phần nhiều tuổi hơn cũng có, vừa phần có tật ở hông, nên cụ
Hương luôn luôn chậm lại sau hai người bạn từng quãng xa. Cũng vì thế
mà cụ Hương càng nhớ lại, càng nghĩ đến nhiều chuyện trong khi một mình
lệt bệt đi sau. Đồn điền chủ Tạc tà có những ba kho. Kho lớn trước chứa
gạo nay chứa thóc. Nhà vợ chồng Tạc tà có gác cao, sân thượng, lại xây
thêm một cái vòm, mùa bức kê chõng mây kiểu xích đu mà ngủ ở đây thì
còn mát hơn động tiên. Chuồng bò, chuồng ngựa, chuồng dê, chuồng lợn
v.v... ở cả phía sau, có tường cao và cổng sắt bao quanh. Khu này rộng đến
hơn bốn mẫu, chiếm cả quả gò cao, xoai xoải trồng kín dứa và sả. Trước
mặt là đường cái chạy ra bến sông. Sau lưng trập trùng những tràn ruộng và
những đồi thông. Mỗi khi đi đâu, vợ chồng Tạc tà cho đánh xe ngựa từ nhà
ra bến rồi từ bến xuôi ca nô về Hải Phòng. Muốn đi thẳng lên Bắc Ninh, Hà
Nội, hay ra Uông Bí, Quảng Yên thì đã có ôtô hàng kề ngay tận cổng.
Cụ Hương ông làm bạn với cụ Hương bà là người làm của đồn điền.
Nhưng vợ chồng chỉ được ăn nằm với nhau một tháng đôi kỳ ở ngoài trại.
Mặc dầu thế cũng được năm lần sinh nở. Năm cụ Hương bốn chín tuổi,
thấy không thể cứ khiêng mãi cái thùng to tổ bố nước đái múc ở các cầu
tiêu chuồng bò đi tưới hàng mẫu rau, và cũng không thể sáng sáng phải
đứng chầu cạnh chuồng dê mà mục kích cái cảnh một con dê đực to xồm
như con bò lùn hủi cứ rình rình dê cái thập thò đi qua mà làm cái trò quái
quỷ, nên ông cụ đã kiếm một cái lỡi (2)nhỏ lên nói với quản lý, và một lỡi
to lên xin với ông bà... được ra nuôi trâu và làm năm mẫu ruộng nộp thóc
thuế cho đồn điền. Rồi đến khi cụ Hương năm mươi chín tuổi thì đành phải
đem vợ con về làng... vì của đồn điền không hiểu sao rõ ràng thu được