Thái Trang nắm tay Lương:
- Anh Lương! Anh rất thích thơ chắc anh cũng phải thích làm thơ chứ?
Lương một tay choàng lấy vai Thái Trang, một tay lay lưng Trần Văn:
- Thích thơ... thích thơ lắm! Nhưng tớ lại... tớ lại thích làm "thợ" cho
hợp sức mình, cho mình hoạt động có hiệu lực hơn. À mà hai cậu dạo này
làm thêm được mấy bài thơ, mấy bản nhạc nữa rồi, tớ có mấy cơ sở thanh
niên học sinh thích nhạc và thích văn thơ lắm, để hôm nào tớ dẫn hai cậu
đến với họ nhé.
Bích Nga đi sau nhẹ nhẹ khép cửa để Lương nằm nghỉ. Thái Trang lại
thơ thẩn ra vườn sau chùa. Trần Văn ký họa thêm mấy cảnh dưới đồi, mấy
đầu rồng, kỳ lân và chó đá ở hai góc thềm và cổng chính để chuẩn bị cho
một bức tranh. Bích Nga lại xuống bếp giã gạo với chú tiểu, nghe chú kể
thêm nhiều chuyện của làng chú, của quê sư tổ, của vùng quanh đấy. Bọn
Vũ Sinh đi bơi ngoài đầm sen vẫn chưa chịu về, chắc lại còn tìm mua hoa
quả quà bánh cho mọi người.
***
Bên song cửa, Lương phe phẩy quạt, lim dim nghe những nhịp thở đều
nhẹ và sâu của mình, vừa hình dung ra mấy việc chính sẽ cùng Vi Chấn và
xin báo cáo lên xứ ủy.
Tuy đã tập trung tư tưởng nhưng Lương vẫn không thể ngăn giữ tâm
trí lại cồn lên vì bao nhiêu hình ảnh và sự việc chung quanh. Đây,... vầng
trán vằng vặc, tiếng cười ha hả vô cùng hồn nhiên, cởi mở, và sức thuyết
phục mãnh liệt trong các buổi tranh luận và các bài viết đăng trên báo công
khai cũng như bí mật của đồng chí H. trước ở Hỏa Lò Hà Nội với Lương.
Đây nữa, gương mặt như đồng hun kiên nghị trung hậu vô cùng và giọng
nói sang sảng của đồng chí Đ. cùng Lương đi đày Côn Đảo ở chung banh,
đã giảng giải bồi dưỡng rất tận tình về lý luận chính trị về các mặt kiến