- Làm sao Dậu cứ quen nói như thế! Dậu vẫn không chịu nghe lời tôi.
Nguy hiểm đấy! Nguy hiểm đấy! Nếu lỡ miệng trước những người thường
thôi, chứ không phải là bọn chó, thì cũng không nên rồi!
Vin Hem, bố người Đức làm lính chết trận năm 1914 - 1918, mẹ người
Pháp đi giặt thuê trong trại lính. Anh lại bồ côi mẹ từ nhỏ, một bà em mẹ
phải đón về nuôi, cho học nghề, lớn lên đi làm thợ điện rồi đăng vào lính
Lê Dương. Sang Việt Nam được bảy năm, mãn hạn lính, anh ra làm cho
một xưởng sửa chữa ôtô của Pháp.
Dậu từ ngày Nhật sang thì thôi không ăn ở với Đờvanhxy mà lại trở về
với mấy tiệm nhảy và quán trà
đặc biệt.
Một dạo Dậu đã vào Sài Gòn, rồi bị ốm. Thấy mệt và thấy khổ quá, vì
cái cảnh nửa làm đĩ, nửa làm công và rẻ mạt gọi là tiếp khách uống rượu và
nghe nhạc ở các phòng trà, nên khi gặp người làm mối cho Vin Hem,
chuyện với Vin Hem vài buổi, thì Dậu bằng lòng lấy Vin Hem. Non hai
năm nay vợ chồng Dậu vẫn ở trong ngõ đền Tiên Nga này.
Vin Hem ngày còn ở Pháp đã là quần chúng cảm tình của Đảng Cộng
sản Pháp, được giao công tác và chuẩn bị kết nạp. Tới khi sang Đông
Dương, Vin Hem vẫn còn liên lạc, nhưng sau ngày Pháp đón Nhật vào
Đông Dương, rồi đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thì Vin Hem bị
đứt hẳn các mối. Gần đây, Chấn vượt ngục về, bọn Thái Trang và Trần Văn
theo dõi và báo cáo, vừa phần Chấn đã để ý từ ngày phong trào Mặt trận
Bình dân về một số lính Lê Dương trong đó có Vin Hem, thì Vin Hem
mừng rỡ vô cùng, thiết tha đề nghị được có sự đóng góp vào công cuộc
chống Nhật của nhân dân Việt Nam.
- Vin Hem yêu quí, vậy tôi xin lỗi Vin Hem nhé. Nhưng mà Vin Hem
chỉ biết bảo tôi phải cẩn thận, thế còn Vin Hem thì sao?!