"Thôi chết bố tôi rồi! Thì ra thằng Hoài Giang này sợ liên lụy sau khi
bắt lão ký Thái và có tin truy nã thằng Vũ Sinh. Dạo thằng Vũ Sơn chết nó
cũng bỏ bọn Thái Trang, Trần Văn lên Phú Thọ hàng ba bốn tháng, bảo để
viết một chuyện tình trường giang... Tình với tứ, trường với đoản gì, nó vốn
nhát lại sợ thanh tra Tây cậu và phó cẩm Mặt ngựa làm tiền cứ bắt chơi rồi
cho chuộc xoàng cũng phải vài kilô vàng... nên tạ sự ra như thế. Tôi đúng
vẫn là một thằng ngu tối, một thằng khốn nạn. Cho bắt cả thằng Hoài Giang
vừa được một món ra món và biết đâu không những vừa truy ra được một
chút manh mối của thằng cháu họ Vũ Sinh nhà nó, mà cũng ra được cả về
bọn thằng Trần Văn dạo này cũng khả nghi lắm. Kiều ơi, Kiều! Mày đã
không từng nghe những Gờ-răng Giăng, Mác-ty La-neéc, Fờ-lô-tô, Bu-ban,
Mô-lanh, và cả nhiều thằng đế quốc khác nó bảo với nhau và với bọn chân
tay rằng thà bắt oan, xử oan hàng nghìn hàng vạn người, còn hơn để sót, để
lọt một đứa cộng sản xoàng thôi ư?! Nói đâu xa, chính bản thân mày chả đã
là một bài học cho mày ư! Không nếm mấy ngày nhốt dứ để chờ ăn đòn
săng-tan ở sở Mật thám và ở đề lao Hải Phòng, thì không chừng mày...
Kiều đón cái núm dọc tẩu Ông trẻ quay đúng tận miệng.
"Kiều! Sao mày lại không chừng cũng như thằng Biên hở? Thằng
Biên điều về Hải Phòng năm 1939, làm thường trực cơ quan đại lý báo Đời
nay, trông người cũng hồng hào hỷ hội, chín chắn, đứng mực và từng trải,
nói ra lý luận, cất lên phê bình, ngồi bàn giấy cứ như một nhà giáo mẫu
mực tiếp anh chị em thợ thuyền, thanh niên. Vậy mà cũng chỉ vì bị bắt nếm
qua bữa đòn nhập cuộc liền quay ngay khai hết cả Trung ương và Xứ ủy,
rồi thì cũng đi căng, đế quốc bố trí cho trốn, về mang số hiệu 39 định giăng
mấy mẻ lưới to lập công thì bị quần chúng phát hiện, khử tươi! Thằng Biên
ấy mà, sao mày lại không như nó, mày cứ vờ vĩnh, phớt lờ làm gì thế hở
Kiều?!"
... Pập pập pập. Tiếng vo vo đang kéo giòn giòn bỗng tắc tắc. Ông trẻ
sững sờ nhìn gương mặt xanh mướt, cằm nhọn như lưỡi cày, trán thót,