Tuy xa tắp và đôi lúc lóa đi trong nắng, những khối những tầng nhấp nhô
trên nền trời sáng và như có sóng biển dội cuốn lên kia, sao mà gần gụi mà
thân thiết. Tưởng như là hôm qua hôm kia Xim ra đi, và nay sắp qua đấy
mà về phố, về nhà.
Nếu như làng đây lại là làng phía giáp biển và Xim trông về thì Xim
cũng thấy cả nhà máy Tơ của Xim với hai ống khói bằng gạch đỏ, những
nóc nhà máy chênh chếch như răng cưa và những cây gạo. Những cây gạo
sóng nhau, cành lá đan thành những chiếc tán trên ngọn, lúc nắng này sẽ
như có mây trắng, mây hồng quấn lấy. Còn trời xanh thì như mặt biển với
những quả núi đủ mọi hình thù mở ra qua những hàng cây, dưới những
ngọn cây, trên những hàng cây xa thẳm.
Phải, chính thật Xim đang nhìn thấy cả khu nhà máy Tơ của Xim ở
trước mặt, qua những cánh đồng, bờ bãi và sông nước cách Xim khoảng
mười lăm, hai mươi cây số. Chao ôi, một nơi trước đây trên đường đi tầm
về tầm Xim thường thường nghĩ đến sẽ thành như nhà máy dệt Tam Sơn
của Mạc Tư Khoa mà cả mẹ Xim và Xim được nghe chuyện... nghe tả. Nhà
máy này mở từ hơn năm mươi năm trong thời Sa Hoàng. Cách mạng tháng
Mười bùng nổ, thợ thuyền đây đã chiếm nhà máy, lập Xô Viết, xưởng cơ
khí của Tam Sơn đã thành xưởng sửa chữa và rèn đúc võ khí. Còn những
thợ đàn ông trai tráng đã vào hết các đội tự vệ đỏ, bảo vệ nhà máy hay ra đi
các mặt trận làm Hồng quân. Cái đài nhỏ ở cổng vào nhà máy là đài kỷ
niệm chín chiến sĩ công nhân đã đổ máu ở ngay trong nhà máy chống quân
lính phản động tấn công. Hiện nay vẫn còn nữ đồng chí công nhân tuổi
đảng bằng tuổi đồng chí Lê Nin mà cả con cháu cũng là công nhân cùng
làm ở Tam Sơn..
"Mẹ nhỉ, nếu mẹ không bị thải vì yếu đuối quá, nếu con không bị đuổi
sau mấy cuộc đấu tranh, nếu nhà máy Tơ của mẹ con ta không đóng cửa
hẳn trong chiến tranh, thì chuyến này..."