Lại còn hàng trăm máy bay, có đủ phóng pháo, thám thính, khu trục,
và cả thủy phi cơ, phi cơ y tế, phi cơ liên lạc. Có cái chở được hai tấn bom
và đều lắp liên thanh. (Chỉ để dội bom và xả đạn vào cách mạng, vào các
cuộc khởi nghĩa, vào quần chúng chân tay không). Lực lượng hơn mười
vạn quân súng đạn, lương tiền dư thừa ấy, thống trị Pháp đã vội vã quỳ gối
mở cửa chịu thua ngay từ trận quân Nhật tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ lên
Hải Phòng tháng tám tháng chín năm 1940 trước. Và qua năm năm, không
phải là bắt chước Việt Vương Câu Tiễn nếm phân để mưu đồ rửa hận, mà là
gục mặt xuống đờm dãi của sự hàng phục, để vập nữa vào bít tết, bơ sữa, để
ních nữa vào két vào vali vàng bạc đã lóc xương rút tủy của đất nước Việt
Nam, của quần chúng Đông Dương. Phải, chỉ có một đêm và chưa hết một
ngày, qua năm năm đúng là mài nanh giũa vuốt để làm chó ấy, nanh vuốt
bấy lâu ngập trong máu dân lành, chó sói Pháp đã quỳ gối, nép mặt hẳn
dưới chân chó sói Nhật. Ôi chao, những ngày "đảo chính" mồng chín và
mười tháng ba năm 1945!
Con chó sói Nhật qua hơn năm năm đội mũ lưỡi chai chum chủm, quét
gươm và đạp giày đinh trên khắp núi sông Việt Nam, tha hồ bóc lột và bắn
giết mọi người, những định làm bá chủ Đông Á và chúa tể Đông Dương, đã
phải dựng lên một bù nhìn là chính phủ Trần Trọng Kim, đến nay thì cả
thầy lẫn tớ đều rã hết các thứ rơm giấy, mo nang, đất thó, nan tre, cốt nứa...
... 10 - 8 - 1945 Hồng quân Nga đã mở mặt trận, tiến sang viễn đông.
Cách mạng Việt Nam đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Khắp nơi, từ núi rừng
xa xôi, đồng ruộng đến đường phố, nhà máy, hầm mỏ đều rần rật như sắp
nổ thành sấm sét.
Tôi đi bên bãi sông Hồng, lại nghe như trời đất ngâm lên từ bên Kinh
Bắc vang vang những câu thơ của Lý Thường Kiệt, hay từ bến Chương
Dương vang tới những câu thơ của Trần Quang Khải.
Và từ Gia Lâm, trên bãi xưa có cây bồ đề, các trẻ con truyền nhau câu
hát đồng dao: