Vẫn đứng gió. Mây từng vầng từng đám nhờ nhờ lúc xám, lúc đỏ úa,
lúc đen kịt, vần vụ dồn dồn. Nước sông và củi rác dềnh lên ri rỉ ở cả mấy
quãng đường. Những thuyền, những nhà bè dập dềnh san sát mặt đê.
Những cột buồm và các dây chão dây thép tua tủa giăng giăng. Người trên
các mui thuyền, người trên đê trên đông nghìn nghịt.
Nhà thương Đồn Thủy lặng ngắt. Không biết Nhật đóng quân trong
này có nhiều không, mà chỉ nhìn thấy ở hai cổng chính mấy thằng đứng gác
mặt mày tiu nghỉu, ngờ ngạc.
"Những năm đầu, Pháp cho tàu thủy chạy lên Hà Nội đổ quân uy hiếp,
lấn đất Hà Nội, rồi đánh thành Hà Nội, đều đóng quân ở đây đây. Mấy
thằng quan triều phản bội, mấy thằng Việt gian buôn hàng và buôn cả nước
cũng thì thụt với giặc ở đây đây!"
Chợt Thái Trang lay lay vai Trần Văn:
- Cậu hay sang bên Bắc nghe quan họ, vậy cậu có được nghe chuyện
Tán Cao tức Nguyễn Cao không?
Trần Văn sững sờ:
- Chuyện thế nào, cậu kể cho mình nghe nào.
- Ông Tán Cao đã hợp quân định đánh úp Đồn Thủy, người Tây mới
chiếm Hà Nội đấy!
- Ghê quá nhỉ! Thế có đánh được không?
- Không đánh được, nhưng mà được cái khác.
- Cái khác là cái gì?
- Long thành chính khí túc tam trung. Bên cạnh Hoàng Diệu Nguyễn
Tri Phương thêm Tán Cao là đủ ba người trung của Hà Nội.