Na Tra không để cho cha bắt. Lý Tĩnh đuổi đánh Na Tra. Na Tra cứ chạy,
không chịu nhận tội, không chịu theo cha đi tạ tội. Na Tra bị đuổi đánh rát
quá, lại chạy ra sông. Đến bờ sông, Na Tra gạt vũ khí của cha đi, vừa khóc
vừa lạy cha và tự tay mình lóc hết da thịt xương cốt của mình trả lại cho
cha rồi chết bên sông.
Phật tổ Như Lai đi qua thấy thế bèn đưa hồn Na Tra về Tây Phương,
lấy ngó sen làm gân cốt, lá sen, cánh sen làm da thịt, hương nhụy làm khí
huyết, dựng Na Tra lại, thổi nguyên khí vào cho Na Tra hoàn sinh.
Một Na Tra mới ra đời, vẫn bé nhỏ nhưng tươi đẹp, khỏe mạnh phi
thường. Tay cầm Càn khôn quyển, chân đạp Phong hỏa luân, Na Tra lại trở
về với cha, phù Khương Tử Nha đi đánh Trụ vương, ra trận chiến đấu
muôn người khôn địch.
...Na Tra với Phong thần, tôi đã đọc cách đây ba mươi nhăm, ba mươi
sáu năm hơn, ngày tôi chưa đầy mười tuổi. Không biết tôi có nhớ đúng hết
không nhưng cảm xúc và hình ảnh đã rung động cả tuổi thơ tôi, từ bấy đến
nay vẫn còn tươi rói trong tâm trí tôi. Không biết bao nhiêu lần tôi đã muốn
được là Na Tra, sau những trận cha tôi đánh mắng vì tôi đã trốn học đi bắt
cá, tìm rễ tìm cây, đuổi bướm, săn ong, hay bỏ cả sáng chủ nhật đi lễ nhà
thờ mà phạm vào những tội trên kia chứ chẳng có đi tắm sông tắm biển,
giặt khố giặt quần, làm nổi phong ba bão táp, động đến long cung, làm chết
thủy quái, và đánh lại thủy thần nào cả.
Một nhân vật và một câu chuyện tôi xin phép kể lại với trí nhớ đã mỏi
nhiều của tôi.
Và tôi xin phép được kể thêm một nhân vật và một câu chuyện nữa đã
làm mê đắm tuổi thơ của tôi không kém là Tôn Ngộ Không trong tiểu
thuyết Tây du. Tôi vui say tung hoành với Tôn Ngộ Không bao nhiêu thì
cũng cùng Tôn Ngộ Không đau khổ, bực giận bấy nhiêu. Đau khổ, bực giận
vì trong cuộc trường hành thiên san vạn thủy đi lấy kinh với Đường Tam