Không một vết khói lửa. Không một bóng người; mùi hôi tanh thối
thoang thoảng ở cả mỗi chỗ nào mà giặc đã đến với súng máy và đàn chó
săn đã nghiến cả mùi thịt chết.
Giở về đây, phải, nếu có giở về đây thời cha, con, ông cháu, vợ chồng
chỉ còn với giặc thôi. Chỉ còn sống với tiếng cười sặc mùi rượu, những
tiếng nghiến rít trong khi máu thịt bị đánh xé, những tiếng rên của người
quằn quại, và những tiếng nức nở của đình chùa, mồ mả. Không! Còn phải
sống cả với những tiếng xót xa của chính mình mỗi khi chợt thấy mình
không còn được là người Việt Nam nữa, thờ ngọn cờ đỏ sao vàng nữa, vui
mừng với dân chúng anh em đồng bào nữa. Đã có những vùng dân lặn ngòi
ngoi nước làm ăn mãi tận đâu đâu đã phải bưng mặt khóc rưng rức khi
được tin làng mình, nhà mình bỏ đi với giặc còn mình thì trở nên một giống
hủi rồi... Họ càng nghĩ đến ruộng mươi lăm mẫu, ruộng của Ủy ban và
đồng bào địa phương san sẻ cho. Nhà đã cất, bếp núc cũng ngày ngày ba
lần đỏ lửa như chung quanh. Những võng con thơ đã có chỗ mắc nằm.
Tiếng gà lợn đã nhộn nhịp ngoài sân. Canh khuya lại có cả những tiếng thở
chèm chẹp của những con vện, con mực nằm dưới chân giường người ngủ
mệt. Một nửa cuộc sống đã gây dựng lại rồi. Những dây máu đã lại bám lấy
một khoảng đất khó mà dứt gỡ nổi.
Mười lăm mẫu ruộng thế nào cũng phải cấy, phải gặt hái, phải có thóc.
Thóc để ăn mùa này và làm mùa sau. Thóc để lấy cái tấm, cái cám. Thóc để
có vải mặc, thuốc thang khi ốm đau, cái nón, áo tơi đi chợ búa, đồng áng,
tấm chăn, chiếu mùa rét tới, đồng quà tấm bánh cho mẹ, con cháu. Thóc để
lo những ngày tết nhất cúng giỗ. Thóc để một năm, hai năm... năm mười
năm... ba bốn mươi năm... để đời đời sau nối dõi hương khói.
Kháng chiến... Sự đau khổ không còn biết bao nhiêu năm nữa, vậy mà
chỉ có hai bàn tay và ruộng đất. Mà lần này một khi cây mạ cắm xuống ở
đây thì sự sống chết phải một mất một còn với giặc như những miền đã bị
giặc chiếm đóng đương chịu tất cả sự kìm kẹp nung nấu để giữ vững lấy cái