những trẻ lớn đã theo được trâu cày và những người đứng tuổi mắt mũi
kèm nhèm, ăn nói ngờ nghệch đến làm thuê cho những nhà cày cấy ở chân
đồi. Những con giai, con gái, bác Cả, bác Cu của các lớp Bình dân ấy đã
đem cả sách ra đồng mà lẩm nhẩm, đã hậm hụi đánh vần cả những lúc tối
nhá nhem, mâm cơm dọn trước cửa dưới những đàn muỗi ri ri, đã viết
giăng ra ở cả những mỏm đá bên bờ suối, ở cả những bắp cày, những cán
cào, những dòng chữ mà cụ Giáo và Minh đã bắt tay cho họ rất nhọc nhằn.
Cương!
Quên sao được những người ở Đồi Cháy kia! Bác cu Chỉ có khi cả
ngày không nói một tiếng, bà cụ Điền trẻ có thể nhịn cơm chứ không thể
ngơi mồm những miếng trầu kèm mồi thuốc lào vê bằng đầu ngón tay, vợ
chồng anh Bằng hai người khiêng một thùng nước. Nhất là Minh, người
giai trẻ con cụ Giáo hàng Giấy. Cái thân hình vạm vỡ đen nháy của Minh,
những tiếng nói ròn ròn cười cười của Minh và những cuộc sống mà Minh
vừa ra khỏi để lại hàng mười năm, mười lăm năm dằng dặc những mê say,
đau xót. Gì nhỉ?... Những tiệm nhảy, nhà săm, sòng bạc, nhà hát, tiệm hút,
đẩy bao nhiêu lớp trẻ đã lịm xuống đến tận cùng sự tủi hờn và chán nản để
dập tắt mọi chuyện cao quý, rộng lớn đã có lần nâng niu hồi mười bảy,
mười tám, đôi mươi.
Họ chỉ còn nghĩ đến ruộng... Hơn năm mươi con người bị cướp bóc,
bắn giết, đốt phá từ Hà Nội phá vòng vây hãm ra và từ các vùng chiếm
đóng tàn hại bò lên ấy, giờ họ chỉ còn biết có ruộng. Những thửa ruộng rực
nắng ở trước mặt họ, dưới chân Đồi Cháy kia...
Mười lăm mẫu, hơn năm mươi miệng ăn, sự sống rồi ra sao đây. Cày,
bừa, thóc giống, mạ non... Cảnh làm ăn ở trên này đều khác lạ... Vậy cày
bừa thế nào?... Phải gieo những thóc gì?... Chỗ nào cấy lúa nào? Nước nôi
giữ gìn làm sao? Tìm kiếm phân gio vôi muối ở đâu mà bón... Lại còn bao
nhiêu đồ ăn thức đựng thiếu thốn. Từ con dao phát bờ, cái gầu, cái chạc, cái
thừng, cái sào, cái chum đựng nước, cái vại muối cà, cái hũ làm tương, nhất