Cương đương nghĩ gì thế?
Tất cả những thành quách, đình chùa, nhà cửa, giếng khơi, đường đá,
trường học, chợ búa ấy đã kéo đổ sập hết, đốt cháy hết phá bỏ hết rồi. Cũng
bởi chính tay những con cháu của đời đời thắt lưng buộc bụng, đầu tắt mặt
tối kia đã vạch lên khắp cả những đống tan tành này dòng chữ bằng than,
bằng gạch những nhời nguyền cha truyền con nối:
"Thề chết không làm nô lệ"
"Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm".
... Những ngày mưa nắng dầu dãi, người nhớn trẻ con đều ốm no bò
dậy. Trên Đồi Cháy đã dựng những nóc nhà dưới đó họ đã có hẳn hoi mấy
cái giường gỗ hãy còn mùi tươi để nằm ngồi. Nhà ta! Nhà ta! Những tiếng
trẻ reo lên sao mà rộn ràng và thấm thía.
Mấy cái nhà ấy trông thẳng về hướng Nam, cửa sổ mở cả đằng trước
đằng sau. Màu tường đất đỏ và mái rạ mới: lấp loáng ánh nắng nổi lên thật
bàng hoàng, lạ lùng. Nó như của một thế giới nào khác, có những người
sống nào ấy đối với những gian nhà ở dưới chân đồi. Những bức tường lè
tè, mái ọp ẹp, bụi bậm, những gian buồng lúc nào cũng như là lửa vạc;
những mảnh sân gà vịt sục lầm lên, những chuồng trâu chuồng lợn, chuồng
gio, xông mùi hôi thối mù mịt vào khắp chỗ người ở.
Đó là những nhà cửa những người tá điền đến ở trước. Có kẻ đã sống
hàng mười năm, mười lăm năm rồi bên rìa cái dinh cơ của tên chủ ấp mái
ngói tường hoa, cây rau bể nước bao quát cả đằng trước mặt họ kia.
Chính trong những gian nhà ụp sụp nọ họ đã ở cả buồng cả gian giữa.
Các chủ nhà lại còn để họ đun rơm rạ cùng mượn các đồ dùng. Nhưng họ
không phải tản cư nữa. Họ đã có nhà rồi. Khói bếp, ánh đèn tỏa ngay ra
chính dưới mái bếp mái nhà của họ. Cha con, vợ chồng, ông cháu, anh em
đến những bữa cơm lại được quây quần ăn cả một lúc mấy chiếu liền nhau.