họ cầm xẻng cuốc, quang, gánh, dao, cưa, vồ, đục đi ra ngoài. Cái quả đồi
mà chân họ giẫm lên ấy trông đã lại như kẻ thù vậy. Nó phủ một lần đất lạo
xạo như sành vụn. Chẳng một thứ cây nào ngóc được lên ngoài những đám
sim, mua, giành giành và chổi xể mọc chằng chịt làm dao cuốc luôn luôn bị
vằng lên.
Mặc, hàng tuần lễ, hàng nửa tháng rồi, họ vẫn cứ cuốc, đào, cứ nhào
cho đất tơi ra và san mặt đất cho thật phẳng. Họ phải có nền, có tường, có
sân. Họ phải có nhà.
Mồ hôi họ ròng ròng. Những chuyến nước ở dưới suối gánh lên cũng
rỏ giọt theo, liên tiếp đổ vào những khoảng đất trình tường dận thình thịch
dưới chân họ. Nồi đồng, nồi đất, chậu, xanh, hũ, thùng đựng nước mắm...
tất cả những thứ gì có thể đựng nước được đều đem ra hết. Bên những bọn
người lớn đen nhễ nhại những đứa trẻ mới lớn son chạy cũng làm. Chân tay
mặt mũi chúng nó cũng lấm láp và bùn đất còn bám cả vào dái cò chúng nó
nữa.
Anh Cương, trước đây đã bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu đời cha ông
chúng ta đã phải lập những bãi lầy, giẫy cỏ những bờ sông hoang và đốt
phá những rừng rậm rồi. Mồ hôi lúc ấy đổ ra phải còn gấp mấy mươi bây
giờ. Những nóc nhà cũng đã cất lên. Những ruộng vườn cũng đã mở ra, rồi
những lũy tre, những phần mồ. Bao nhiêu nước mắt và xương máu. Trên
đây đã vượt lên nào Mê Linh, Hoa Lư, Thăng Long, Kinh Bắc; nào Đình
Bảng, Tức Mặc, Lam Sơn, Trấn Võ, Thọ Xương... tiếp đến nào Hà Nội,
Bắc Ninh, Hà Đông, Hưng Yên với những Trường Thi, Ô Quan Chưởng,
Hàng Gai, Cầu Nôm, bến gạch ngói Bát Tràng...
Quê hương...
Quê hương của tổ tiên chúng ta.
Quê hương của chúng ta.