Thanh Giản phải lưu lại Sài Gòn từ 11 đến 17 tháng 2 năm Tự Đức 17, tức
từ 18 đến 24 tháng 3 năm 1864, trong lúc chờ tàu trở về Huế"
Sử Thực lục ghi rõ lập trường và hoạt động ứng phó với hiệp ước mới
như sau: Tháng 5 năm Giáp Tý, "Viên toàn quyền sứ thần nước Phú Lãng
Sa là Hà Ba Lý (Aubaret) đến kinh định lại hòa ước. Sai Phan Thanh Giản
sung chức Toàn quyền chánh sứ, Trần Tiễn Thành và Phan Huy Vịnh sung
làm Phó sứ để hội bàn. Trước đây (1863), sứ thần là bọn Phan Thanh Giản,
Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản sang Tây (nói việc chuộc lại ba tỉnh) trở
về đem hai bức thư của hai nước Phú Y nói về việc tục ước và việc buôn
bán, tiến trình... Một khoản nói ta muốn chuộc lại ba tỉnh, họ cũng thuận
nhường, nhưng phải cắt bỏ 8 xứ (192 xã thôn) giao về nước ấy... Một
khoản: đưa giả số bạc chuộc trong hạn ba năm, mỗi năm 50 vạn đồng...
Một khoản... đặt quan lãnh sự... Một khoản: đạo trưởng, đạo dân tùy nơi lập
nhà thờ...
"Vua (Tự Đức) đem tờ ước thư và các bản đình nghị, sai trung sứ đến
hỏi Trương Đăng Quế (khi ấy đã về nghỉ việc). Đăng Quế tâu nói: Trong tờ
hòa ước, chỗ quan trọng nhất duy khoản thứ 2 về việc cắt bỏ giới hạ ba
tỉnh, cho họ đóng ở các xứ ấy, và khoản thứ 19 số bạc bồi thường chia làm
hạn năm, hai khoản ấy mà thôi... Xin khi Toàn quyền họp bàn, nên y như ta
đã định, cố giữ bền lòng, chớ bị họ làm lay động, cứ lấy lẽ là dân nghèo
của ít làm cớ nói, hoặc không thấy họ cự lại, may ra việc ta được xong...
Bọn Toàn quyền sứ là Phan Thanh Giản tâu nói: nhiều lần cùng Hà Bá
Lý bàn về hai khoản cắt đất và bồi bạc, viên ấy đã có châm chước... Còn
các khoản khác, gián hoặc cũng có sửa đổi lại 1, 2 điểm mà thôi, vâng
mệnh đi làm việc không có công trạng gì, thực biết phụ lòng ủy thác. Nay
đình thần có kế gì diệu hơn, có thể khiến cho viên ấy, phải nghe lời. Xin chỉ
bảo cho biết hoặc nhờ ơn kén lấy 1, 2 người giỏi giang gánh vác công việc
ấy, ngõ hầu người mới địa vị cao, khiến cho kẻ kia kính phục mà nghe lời.
Vua lại giao xuống cho đình thần duyệt bàn. Bọn thân phiên đại thần
phúc tâu: Các công việc ấy thực cũng khó nói, nghĩ ra cũng không có kế gì
khác. Ba vị đại thần toàn quyền ấy, ngôi thứ và đức vọng, các quan ở trong