- Nhưng một kẻ như thế có thực sự tồn tại không? - Megumi thắc mắc,
một tay cô cầm cốc cà phê với vẻ đăm chiêu - Đúng là có hai kiểu người,
những người giàu tình cảm và những người nghèo tình cảm hơn, nhưng
liệu có ai không có chút cảm xúc nào không? Tâm lý học tội phạm không
phải chuyên môn của em nhưng em nghĩ mỗi người một khác, không thể
đánh đồng tất cả bằng một vài từ ngữ.
- Ý em là nghe có vẻ hơi áp đặt, đúng không?
- Vâng, ngay bản thân những từ như “thiếu hụt tâm thức” cũng đáng đặt
ra nghi vấn. Liệu chúng có đơn thuần được sinh ra từ tâm lý học?
- Ý cô là gì? - Nét mặt Kanaishi bỗng chốc trở nên gay gắt - Chẳng phải
phía cảnh sát hay kiểm sát viên đều có nhu cầu rập tội phạm vào các khuôn
nhất định để thuận tiện cho việc điều tra và xét xử hay sao? Trên phương
diện đó thì sử dụng những thuật ngữ này quá thuận tiện. Nếu kết luận bị
cáo là một kẻ thiếu hụt tâm thức thì dù hắn có gây tội ác đến nhường nào
cũng không cần thiết phải điều tra đến tận chân tơ kẽ tóc. Đương nhiên tôi
không có ý nói các nhà tâm lý học tội phạm sáng tạo ra các thuật ngữ chỉ để
đáp ứng yêu cầu của cảnh sát đâu nhé.
Trước lý luận của Kanaishi, Wakatsuki hơi bực mình nhưng Megumi
không có vẻ gì là hoảng hồn vì bị lép vế. Đúng lúc đó, giáo sư Daigo nói
chen vào như để xoa dịu sự căng thẳng:
- Cô hiểu nghi vấn của em, đúng kiểu Kurosawa. Về việc đặt tên “Thiếu
hụt tâm thức” hay “Hội chứng phi đạo đức”, thực sự cô cũng cho rằng có
vấn đề.
Kanaishi toan mở miệng nhưng đã bị bà ngăn lại.
- Thế nhưng... có lẽ cô nên kể lại kinh nghiệm của mình thì hơn. Cô đã
từng chứng kiến một vụ có thể xem là ví dụ thực tế cho vấn đề này.
Giáo sư Daigo nở nụ cười nhưng vết nhăn hằn sâu giữa hai chân mày lại
chứng tỏ rằng bà đang nhớ lại một kí ức chẳng mấy dễ chịu.
- Người đó là sinh viên của cô. Cậu ta hơn Wakatsuki hai, ba khóa. Lần
đầu tiên cô chú ý đến sinh viên đó, là lúc xem tranh cậu ta vẽ trong bài
kiểm tra Baum