- Gã đặt tên cho tất cả lũ chó như đặt tên người, cách gọi tên cũng ngọt
ngào như đang nựng con cái chứ không đơn thuần là nựng chó cưng ạ.
- Ra là vậy. Hay đấy. Có rất nhiều trường hợp mà sự đa cảm thái quá lại
là mặt trái của sự tàn ác.
Megumi có vẻ bồn chồn, hình như cô không được thoải mái.
- Nhưng có nhiều người như vậy không ạ? Em cũng hay nựng vật nuôi
lắm. Mấy đứa nhà em... à, em đang nuôi hai con mèo ở nhà trọ và suốt ngày
nói chuyện với chúng y như nói chuyện với người.
Giáo sư Daigo mỉm cười với cô học trò cưng:
- Cô nghĩ em cũng biết rõ rằng sự cảm thương cũng là một loại tình cảm,
vậy nên những người có tính cảm thương cũng được chia ra làm hai dạng,
chính diện và phản diện. Dạng chính diện là trường hợp dư thừa năng
lượng tình cảm, giống như những cô bé ở tuổi dậy thì, còn dạng phản diện
là trường hợp dòng chảy tình cảm bình thường bị chặn lại bởi một nguyên
nhân nào đó và buộc phải để tình cảm thoát ra dưới dạng cảm thương. Cô
nghĩ Kurosawa rõ ràng là dạng thứ nhất, còn K sẽ là dạng thứ hai.
Megumi tỏ ra chưa tâm phục khẩu phục.
Wakatsuki nhớ về những nhân vật lịch sử tàn nhẫn có biểu hiện tương tự.
Hoàng đế Nero đã phóng hỏa khắp thành Roma rồi lại sáng tác những bài
thơ đầy đau khổ. Tần Thủy Hoàng. Từ Hi Thái Hậu. Cả chuyện Goring
khóc thương cho chú chim nhỏ mới chết...
Wakatsuki vẫn còn một nghi vấn nữa. Anh lấy từ trong cặp xách ra kẹp
tài liệu có đựng một bản tổng hợp. Đây chính là bài văn của Kosaka
Shigenori và Komoda Sachiko trong tập san mượn từ cô giáo Hashimoto
mà anh đã lược bỏ tên riêng và đánh lại bằng máy đánh chữ.
- Đây là bài tập làm văn hồi lớp Năm của vợ chồng nhà K. Em muốn biết
ý kiến của cô.
Tờ giấy được chuyền từ giáo sư Daigo sang Kanaishi rồi đến Megumi.
Đọc xong một lượt, giáo sư Daigo có vẻ rất hứng thú, Kanaishi thì thờ ơ,
trong khi Megumi lại chăm chú như thể cảm nhận được điều gì đó.
- Thú vị lắm.