Tôi từng gặp rất nhiều người mắc “bệnh đích đến”. Họ nghĩ
rằng họ đã “đến nơi” khi giữ một chức vụ cụ thể hoặc đạt tới một
cấp bậc nào đó trong tổ chức. Khi tới nơi họ khao khát, họ ngừng cố
gắng phát triển hay tiến bộ. Điều này thật lãng phí tiềm năng!
Chắc chắn tham vọng tiến lên trong sự nghiệp không có gì là
sai trái, nhưng đừng bao giờ cố gắng để “đến nơi”. Hãy chủ định
bỏ ngỏ hành trình của bạn. Đa số mọi người không biết họ có thể đi
xa tới đâu trong cuộc sống. Họ nhắm mục tiêu quá thấp. Khi bắt
đầu khởi nghiệp, tôi đã từng như vậy, song mọi chuyện bắt đầu
thay đổi khi tôi thôi không đặt ra các mục tiêu cho vị trí tôi muốn
đạt tới, mà bắt đầu định hướng cho mẫu người tôi muốn trở
thành. Tôi khám phá ra chìa khóa cho sự phát triển cá nhân là thiên
về định hướng trưởng thành hơn là định hướng mục tiêu.
Không có bất cứ sự bất lợi nào khi biến sự phát triển thành
mục tiêu của bạn. Nếu bạn vẫn tiếp tục học hỏi, ngày mai sẽ tiến bộ
hôm nay và điều đó sẽ rất có lợi cho bạn.
Bạn càng tiến bộ, mọi người càng lắng nghe bạn hơn
Nếu bạn có sở thích nấu nướng, bạn thích dành một giờ với ai
với Mario Batali (bếp trưởng, tác giả sách hướng dẫn nấu ăn, chủ
nhân của Babbo Ristorante e Enoteca và các nhà hàng khác ở thành
phố New York, đồng thời là người dẫn hai chương trình truyền
hình trên kênh Food Network) – hay với hàng xóm của bạn, người
“họa hoằn lắm” mới vào bếp nấu ăn? Hay nếu bạn là một học
viên học về nghệ thuật lãnh đạo, giống như tôi, bạn muốn dành
thời gian với tổng thống Hoa Kỳ hơn hay với người quản lý một cửa
hàng tạp hóa ở địa phương? Đây không phải một cuộc thi. Tại sao?
Bởi vì bạn kính trọng và có thể học hỏi được nhiều nhất từ những
người có năng lực và kinh nghiệm tuyệt vời.