ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một
đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa
nguồn:
"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù."
cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:
"Sài Gòn chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn."
Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng
chỉ còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được.
Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một
thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích thực
không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau".
Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai
đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là
tinh hoa của trời đất.
Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa
điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con
đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi
tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ
ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như
chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Hoài trên
đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp. Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn
còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra.
Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn
hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con".