Tất nhiên, ý thơ này là của Bùi Giáng chứ không phải của Trịnh Công Sơn.
Cũng cần phải nói thêm, Trịnh Công Sơn đã từng sử dụng rất nhiều ý tưởng
của Bùi Giáng cho nhạc của mình nhưng ít khi ông chính danh về điều đó.
Ví như ý câu thơ "Từ khi trăng là nguyệt" vậy. Nhưng Bùi Giáng, theo chỗ
tôi biết, chưa một lần có phản ứng về điều này. Đến khi Bùi Giáng mất,
Trịnh Công Sơn là người đã khóc trên báo Thanh Niên số tưởng niệm Bùi
Giáng. Trịnh Công Sơn viết đại ý, ngày còn sống Bùi tiên sinh đã có thơ
tặng ông. Thơ viết rằng:
"Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng
Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi!".
Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có
một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Bùi Giáng rất hay nổi
điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay
học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy
với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai,
ông không muốn tái lặp lại bất cứ một đặt đề, một định đề nào cho Nghệ
thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "Sa mạc phát tiến". Ước mơ của ông
là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão tử,
hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa
cầu Trương Minh Giảng, người ta đã từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng
hay "nhập đồng" phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây
giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ
không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ
và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và
những tâm tình thơ.
Nguyễn Hữu Hồng Minh