Cung Thị Lan
Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm
Chương Mười Sáu
Ba năm sau
Khoảng nắng rộng trước căn nhà trọ như dần dần thu nhỏ lại trên
con đường đất trước mặt. Màu nắng nhạt của chiều khơi lên nỗi nhớ nhà.
Hạ lấy vội vài chiếc áo nhét vào ba lô , khóa cửa nhà, và đi đến ga Sông
Mao. “Tàu chợ” từ Sài Gòn ra Nha Trang thường ngừng tại Sông Mao vào
lúc bốn giờ chiều. May mắn thay, Hạ vừa đến ga là đúng lúc tàu vừa ngừng.
Cầm chiếc vé trên tay để theo hàng leo lên toa xe lửa đầy ắp những người
buôn, Hạ cố gắng len lỏi đến gần thanh sắt, tì tay vào.
Tàu vừa chạy, người người đứng chen chúc sát vào nhau như cá hộp.
Thỉnh thoảng, họ phải tránh đường cho những đứa bé bán trà đá hay thuốc
lá đi ngang. Học trò Hạ thường là một hay vài đứa trong những đứa bé này.
Hạ vội cuộn vé tàu và tiền vào cánh tay áo và gấp nó lên. Những đứa học
trò hay buôn bán trên tàu thường kể cho Hạ nghe những chuyện cướp hay
các vụ rạch các túi xách, móc túi trên tàu của những kẻ bất lương cho nên
Hạ phải giữ gìn cẩn thận cái số tiền nho nhỏ mà Hạ có được. Lặng yên nhìn
cảnh vật thụt lùi đằng sau và nghe tiếng xình xịch của đoàn tàu, Hạ thầm
mong khi đến Phan Rí hay Phan Rang sẽ có người xuống tàu và sẽ có chỗ
ngồi cho đở mỏi chân.
Khoảng tám giờ tối, Hạ ra khỏi ga Nha Trang. Buổi tối đi bộ
trên những con đường về nhà, Hạ cảm thấy như người tha phương trong
thành phố lạ. May mắn thay, tối hôm ấy trên con đường đến nhà Hạ có đèn.
Những ngày này các khu vực trong thành phố có hôm có điện, có hôm chỉ
có vài ánh đèn dầu leo lét.
Đến cổng nhà, Hạ cố giữ cho chiếc khoen cài không gây tiếng
động. Khép cánh cổng lại, Hạ đặt chiếc khoen trở lại vị trí cũ. Hai cánh cửa
của nhà bác cả khép kín. Từ lúc thất nghiệp, bác gần như ở vào thế giới
riêng biệt và không muốn tiếp xúc với bất cứ người khách nào. Căn nhà lớn
trông thật là hoang vắng. Hạ đi thật nhẹ qua bụi hoàng anh, hoa lài, dâm