Hạ không muốn giải thích tình trạng của mình nên chỉ lắc đầu
và yên lặng. Anh hỏi :
- Sao ở đây đông người quá vậy Khánh? Mọi người tính đến
Cầu đá để đu tàu vào Sài Gòn hả?
Khánh hấp tấp :
- Một số thôi, còn lại là những người xuống kho vũ khí gần cảng
Cầu Đá để lấy súng đạn. Người ta phá kho nạn từ tối hôm qua.
Hạ thảng thốt:
- Lấy vũ khí? Họ là thường dân mà lấy vũ khí để làm gì?
Khánh nhún vai rồi lắc đầu:
- Có thể là để chống lại Việt cộng, có thể là để tùy thân hay là để tự tử.
Nhưng mà thôi, Khánh phải đi đây. Đan Hạ và Anh nhớ cẩn thận.
Nhìn anh ta khuất bóng mà Hạ buồn vô hạn. Còn nhớ những
ngày trường Hạ chưa phải dời các lớp học đến trường Nữ Tiểu Học Nha
Trang, ba người con trai “tá túc” học Pháp văn thường lấp ló, chờ tất cả bọn
con gái của trường Huyền Trân vào các lớp mới chịu thò đầu vào lớp. Hôm
nào ba anh chàng may mắn thì vào lớp trước thầy nhưng xui xẻo gặp hôm
thầy đã vào lớp thì thể nào cũng nghe thầy giảng đạo. Thật sự là vào lớp
sau khi thầy đã có mặt quả là bất lịch sự, nhưng đối với ba người này, hình
như cái sợ thầy la không át nổi cái sợ khi đi giữa đám con gái trong trường
Hạ. Chiều nay người bạn này sẽ vào Sài Gòn và sẽ gặp những người bạn cũ
“Huyền Trân”, “Võ Tánh”, và những người Nha Trang khác, còn Hạ và
Anh mãi mãi không còn có cơ hội nữa.
Hai đứa quay đầu xe lại và đạp xe đi dọc đường biển. Giống như
những con đường, biển cũng hoàn toàn bị bỏ rơi. Mọi người trong thành
phố lo sợ cho số phận và tính mạng của họ hơn là suy nghĩ đến những sự xa
xôi. Riêng Hạ, biển gợi lên niềm an ủi còn lại.
- Mọi người bỏ đi nhưng tụi mình vẫn còn có biển.
Anh nhìn Hạ với ánh mắt biểu đồng tình.
Dọc đường biển không còn những chiếc xe bán cóc, ổi, xoài
ngâm cam thảo và mực nướng. Cách hôm ấy vài ngày, Phong, người con
trai thường hát “ngày nào cho tôi biết tương tư” trong lớp học tư thục, chào