người viết tiểu thuyết lịch sử có thể tùy thích "treo" vào đó những bức tranh
của mình. Tôi thì quan niệm người viết tiểu thuyết lịch sử phải tôn trọng
những gì đã được ghi vào lịch sử. Còn về cách viết thì lớp chúng tôi, hồi
những năm sáu mươi đã học theo các trào lưu "cách tân" ở châu Âu nhưng
thấy không đến đâu. Hình như một số bạn trẻ ở trong nước hiện nay đang
dẫm lại vết chân lớp bọn tôi bốn chục năm trước.
- Tôi nghĩ là các kiểu cách tân về hình thức đều có cái lý của nó. Nếu như
cứ theo cách kể chuyện có đầu có đuôi theo trình tự thời gian thì để viết
một cuốn tiểu thuyết ôm trùm khoảng không gian rộng lớn trong dăm chục
năm thì biết mấy trang cho vừa?
- Làm sao có thể miêu tả được tất cả. Mỗi tác giả chỉ lựa chọn những gì soi
sáng cho tư tưởng của tác phẩm. Nếu tôi không nhầm thì tiểu thuyết Việt
Nam ít có tác phẩm gây tiếng vang lớn vì thiếu sức nặng của tư tưởng.
- Chắc anh còn nhớ rằng tôi cũng đã nêu vấn đề "tư tưởng của tác giả và tác
phẩm SCML không thật rõ". Có đúng là tác giả chưa tiện viết hết những
suy tưởng của mình?
- Có phần như thế. Như đã nói với anh, tôi hoàn thành tiểu thuyết năm 1981
tại Sài Gòn, khi đất nước chưa "đổi mới"... Khi qua Mỹ, tôi làm gì có đủ
tiền để in sách. Chỉ riêng tiền đánh máy đã hết 5.000 đô-la. Hai người bạn ở
Nhà xuất bản An Tiêm bỏ ra 25.000 đô-la in giúp, sách bán từ năm 1991
đến nay mới hết. Vậy nên tôi rất mừng khi sách được in trong nước và
được tái bản. Ở Mỹ, người làm kinh doanh ai dại gì bỏ vốn mười năm mới
bán hết sản phẩm! Nhưng với mình, văn chương là cái "nghiệp" nên cứ
phải theo đuổi. Tôi còn làm tờ tạp chí Văn Học, làm không công và người
viết bài cũng không có nhuận bút. May là tiền bán báo vừa đủ tiền mua
giấy và công in. Tôi hình dung là sau này việc in sách báo bằng tiếng Việt ở
nước ngoài sẽ càng khó khăn hơn vì các thế hệ tiếp nối chủ yếu đọc bằng
tiếng Anh.
- Nhưng chắc là anh vẫn đang tiếp tục viết tiểu thuyết?
- Vâng. Tôi đang soạn bộ tiểu thuyết về cuộc đời mấy gia đình người Việt
định cư ở nước ngoài...
Cuộc trò chuyện đã dài. Tôi biết Nguyễn Mộng Giác còn "chương trình" đi