Có lẽ có hai lý do để phụ nữ ưa thích phim Hàn Quốc: trước hết vì trong đó
không có bạo lực và tình dục, những thứ ăn khách với đàn ông nhưng phụ
nữ, nhất là những phụ nữ trẻ, lại không hợp. Thứ hai, trong phim thường
đặt ra những vấn đề xã hội mà giới trẻ quan tâm như những quan niệm mới
về mối tương quan giữa sự chân thật và lòng chung thủy, tình yêu và sự
nghiệp, tình cảm gia đình và tự do cá nhân…
Tôi thấy trong cách giải quyết vấn đề, ý tưởng của tác giả phim rất mạnh
mẽ, khai phóng, vượt qua những thành kiến, áp lực (là thứ mà tuổi trẻ rất
ghét). Tuy vậy họ biết xử lý rất khéo vấn đề, không để quá đà, gây sốc
trong đa số công chúng. Những phim đó góp phần giáo dục cho đa số công
chúng thái độ sống đẹp trong những tình huống thực tế mà không phải nói
những lời đao to búa lớn gì cả.
* Chị đang viết một cuốn truyện ngắn đề tài lịch sử, với những nhân vật bị
cả lịch sử và văn học bỏ quên?
- Vẫn không xa đề tài tình yêu và thân phận, nhưng lần này nhân vật là
những người đàn bà trong lịch sử. Cụ thể là một số bà công chúa, cung phi
của vương triều Nguyễn. Ví dụ có một bà là vợ của Quang Toản, vua cuối
cùng của triều Tây Sơn, sau trở thành vợ thứ ba của vua Gia Long.
Người đàn bà đó là chiến lợi phẩm, trong mấy mươi năm bà ta phải làm vợ
và sinh con cho một người đàn ông đã xé xác chồng mình. Con gái của bà,
công chúa Ngọc Ngôn, đã lớn lên như thế nào giữa ánh mắt kỳ thị trong
một hoàng cung triều Nguyễn sau chiến tranh... Những con người ấy chỉ có
cái tên nhỏ trong lịch sử nhưng bi kịch thì lớn, và bi kịch ấy không phải của
riêng một thời nào...
* Hình như một chút ngậm ngùi của cố đô Huế - mảnh đất chị lớn lên và
gắn bó - đã đi vào văn của chị?
- Mình lớn lên ở Huế và điều làm mình gắn bó với Huế nhất là cái cảm giác