Nhạc Phi xin thất lễ rồi khép nép ngồi xuống ghế. Lính hầu đem trà nước
đến, Tông Trạch niềm nở mời chàng rồi hỏi:
- Võ nghệ của hiền khiết tưởng ít ai bì kịp, song chẳng biết phép điều
binh khiển tướng cùng binh thư đồ trận, hiền khiết có được thông tuệ
không?
Nhạc Phi cả quyết:
- Bẩm đại nhân, điều ấy tiểu sinh đã thuộc nằm lòng, song thiết tưởng
binh thư đồ trận trong sách vở chẳng qua là phần lý thuyết, chỉ lấy đó làm
căn bản mà thôi. Chứ đến lúc thực hành thì không nhất thiết y sách mà phải
thiên biến vạn hóa cho phù hợp với thực tế.
Thấy Nhạc Phi không cho binh thư đồ trận là bảo bối nên Tông Trạch có
ý không bằng lòng, nên hỏi vặn lại:
- Nói như vậy những binh thư đồ trận của thánh hiền đời xưa để lại chẳng
lẽ vô dụng sao?
Nhạc Phi đáp:
- Bẩm đại nhân, theo sự hiểu biết của tiểu sinh thì phép hành binh xưa
nay nhất định phải theo qui củ, nghĩa là bày binh bố trận trước rồi mới
đánh. Nhưng khi ra trận tiền, nếu nhất nhất như vậy thì không khỏi có điều
bất tiện, vì trong chiến trận, đối phương đâu có để cho mình tùy ý lựa chọn
chỗ lập trận thế, mà hễ gặp đâu phải giao phong ở đó. Bởi vậy địa hình lúc
đó có khi khác xa với lý thuyết. Có chỗ rộng rãi, có chỗ eo hẹp, có chỗ
hiểm yếu núi non che chở, có chỗ lại trống trải binh sĩ không thể ẩn thân.
Có khi gặp khe sông, có khi vào bụi rậm, nếu giáo điều áp dụng những trần
đồ nhất định như trong sách vở chẳng là bất tiện lắm sao? Phương chi chiến
thuật ngày nay khác với xưa nhiều, nên phép hành binh phải tùy cơ ứng
biến. Mưu sâu, chước lạ phải sẵn sàng, “dĩ hư vị thiệt, dĩ thiệt vị hư”, làm
cho tướng giặc đoán không nổi hành động của ta mới mong thắng địch.