cải danh diệt tính. Còn việc xưng hô cha con là để cho tăng phần thân mật,
tôi mới có thể đem hết bình sinh sở học truyền đạt lại cho cháu và sau này
tôi có cười hạc quy tiên thì có người chôn cất là đủ rồi, xin bà hãy an tâm.
Bà An Nhân còn suy tính chưa biết nên trả lời bằng cách nào cho phải thì
Nhạc Phi đã chạy ra, chắp tay thưa với Châu Đồng:
- Nếu kết tình phụ tử mà không phải thay tên, đổi họ thì con xin ưng
thuận, vậy xin gia gia hãy ngồi lại cho con tạ lễ.
Dứt lời, Nhạc Phi quỳ lạy tám lạy.
Nhạc Phi hành động như vậy chẳng phải là không tuân lời mẹ song cũng
vì chàng ái mộ tài học của Châu tiên sinh đã lâu, muốn cho người giáo
huấn thi thơ, thụ truyền võ nghệ. Ngờ đâu trong tám lạy ấy mà sau này
Nhạc Phi làm đến chức Võ Xương Khai Quốc Công, Thái Tử Thiếu Bảo,
Tổng Đốc bình lương, thống thuộc văn võ Đô Đốc Đại Nguyên Soái.
Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm sau. Hãy quay lại chuyện Nhạc Phi
quỳ lạy nhận dưỡng phụ.
Lạy xong, Nhạc Phi còn làm lễ lạy vợ chồng Vương Viên ngoại và mẹ
chàng nữa. Bà An Nhân nửa buồn nửa vui, nhưng vì con bà đã ưng thuận
bà cũng đành phải chấp thuận theo.
Vợ chồng Vương Viên ngoại sai bày tiệc đãi đằng, mời cả Trương Đạt,
Thang Văn Trọng đến dự rồi ai về nhà nấy.
Hôm sau Nhạc Phi vào trường học, Châu Đồng cho bốn trò kết nghĩa anh
em, ai nấy đều tỏ cho cha mẹ mình hay, các ông bà ấy thảy đều mừng rỡ.
Từ đó Châu Đồng đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc
Phi, chàng sẵn có khiếu thông minh hơn người nên tiếp thu rất chu đáo.