sáng, súc tích, và chỉ bằng vài nét đặc sắc, Gơ-rô-xman đã nêu bật lên
được những nét điển hình của con người và hoàn cảnh. Trong "Nhân dân
bất diệt", cũng như trong các tác phẩm khác của mình, Gơ-rô-xman tỏ ra
là một nhà văn có tài thâm nhập cuộc sống, thâm nhập nội tâm của những
nhân vật rất khác nhau, hiểu họ như hiểu bản thân mình, dẫn người đọc đi
thẳng vào đời sống tinh thần của họ, suy nghĩ về số phận của họ, thông
cảm sâu sắc với những nỗi vui buồn của họ, và đó chính là sức lôi cuốn của
cuốn sách.
Vào truyện
Chính ủy Bô-ga-rép và chiến sĩ nông dân I-nha-chi-ép là hai nhân vật
chính của truyện. Bô-ga-rép là con người mà mỗi hơi thở nói lên tình yêu
thắm thiết đối với đất nước Xô-viết của anh, đất nước của nhân dân, "một
đất nước giành được trong sự phấn đấu vĩ đại của nội chiến, trong đói rét,
một đất nước tất nhiên còn nghèo, sống được nhờ lao động gian khổ, và do
những quy luật ngặt nghèo chi phối", nhưng là đất nước ở đó giấc mơ ngàn
đời của bao nhiêu thế hệ lần đầu tiên đã được thực hiện. Kẻ thù giày xéo
lên đất nước anh, anh hết lòng căm thù và khinh bỉ chúng. Anh coi chủ
nghĩa phát xít là một cái gì đê tiện và phản động nhất trên đời, nó không có
một chút yếu tố gì sáng tạo, nó tượng trưng cho bùn lầy nước đọng, nó chỉ
mang được một yếu tố vào lịch sử và đời sống chính trị là: sự man rợ có tổ
chức, sự cướp bóc giết người. Anh đấu tranh quyết liệt với những ai tỏ vẻ
sợ sệt nó, khuyên họ chỉ nên khinh bỉ và chế giễu nó mà thôi.
Trong người chiến sĩ bình thường, anh nhìn thấy người anh hùng chân
chính làm nên thắng lợi. Đây là cảm giác của anh khi anh dẫn đầu chiến sĩ
lên xung phong: anh đang lôi cuốn họ theo anh, còn họ thì hợp với anh
thành một tổng thể thống nhất, vĩnh viễn, không thể chia cắt, như đang đẩy
anh lên phía trước, như nước dâng thuyền. Anh đem chân lý của Đảng ra
nhẫn nại thuyết phục quần chúng, đem sự thật không chút tô điểm trình bày
một cách trung thực cho quần chúng, vạch cho họ biết những hy sinh nào
đang chờ đợi họ bởi vì anh tin quần chúng không sợ hãi sự thật. Anh là