Kisako từ nhỏ đã thích vẽ, cô từng định thi vào Đại học Mỹ thuật để học
hội họa truyền thống Nhật Bản. Tuy nhiên, cô học các môn khác cũng rất
xuất sắc, nên mọi người mới nói rằng thật phí phạm, cô có thể dễ dàng vào
nhiều trường đại học danh tiếng hơn.
Cha mẹ cũng không tán thành Kisako đi học Mỹ thuật. Cha cô là giám
đốc điều hành của một ngân hàng địa phương, ông rất ghét cô ‘đam mê nghệ
thuật’. Rốt cuộc, dưới áp lực của họ, cô đã thay đổi nguyện vọng và thi vào
khoa Văn Đại học K.
“Cho đến giờ, em vẫn hối hận vì mình đã quá yếu đuối.” Kisako than thở,
“Tuy nhiên, em cũng không thật tự tin, em không nghĩ mình có năng khiếu
về hội họa.”
“Năng khiếu chỉ là lời bao biện thôi.” Không hiểu sao tôi bất giác triết lý.
“Hãy giỏi những thứ mình thích, tôi cảm thấy câu nói này chẳng bao giờ sai.
Nếu thực sự ham hội họa, thì dù làm nghề khác ta vẫn vẽ được. Tranh của ta
đẹp hay xấu đều là phán đoán của người ngoài. Sự đánh giá đó và bản chất
của bức tranh là hai chuyện khác nhau. Cho nên, chỉ cần ta có đủ niềm tin
rằng mình muốn làm điều mình thích là đủ rồi.”
Dù đây là ý nghĩ thường xuyên của tôi, nhưng chính tôi cũng bất ngờ vì
mình lại nói được ra miệng một cách trơn tru như vậy.
“Anh Hiryu thì chắc chắn là có năng khiếu hội họa rồi. Chính anh Kakeba
nhận xét thế mà!”
“Có năng khiếu hay không, chí ít cũng phải chờ xem tranh của tôi đã
chứ?”
“Không, không, em không có ý đánh giá gì đâu…”
Sau đó cô ca ngợi cha tôi, Hiryu Koyo. Chắc cũng là do Kakeba
Hisashige nhắc đến.
“Tôi không biết cha ra sao, chứ tôi thì rõ ràng chỉ là kẻ bỏ đi.” Tôi nói rất
thật lòng. “Vô công rồi nghề, sử dụng tài sản của ông để thỏa mãn bản thân.
Người ngoài nhìn vào chỉ thấy tôi là gã vô tích sự, ngần này tuổi mà vẫn độc
thân, suốt ngày vật vờ. Đến giờ, tôi vẫn chưa tự tay kiếm nổi một đồng.”
“Kiếm tiền ư? Đó lại là chuyện khác.”
“Em nói thế là do đứng từ góc độ trân trọng nghệ thuật thôi.”