Chu Sa Lan
Như Hạnh
Chương 13
8 giờ sáng. Ba trung đội xếp hàng tề chỉnh bao quanh cột cờ. Ba trung đội
trưởng và phó đứng đầu trung đội của mình. Đạm và Trương đứng cách cột
cờ năm thước. Hai người lính sẵn sàng kéo cờ lên. Đạm gật đầu ra dấu.
Trúc Đào mỉm cười cất tiếng hát và bảy mươi lăm người lính đồng cất cao
tiếng hát. Cùng lúc đó lá quốc kỳ từ từ được kéo lên. Hơn trăm cặp mắt
ngước nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong cơn gió mạnh của một
ngày giữa tháng giêng.
- Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai quốc dân cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền
Dù cho phơi thây trên gươm giáo
Thù nước lấy máu đào đem báo
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy
Người công dân luôn vững bền tâm trí
Hùng tráng quyết chiến đấu, làm cho khắp nơi vang
Tiếng người nước Nam cho đến muôn đời...
Tiếng hát của gần một trăm người vang vang khắp nơi, vọng lên trời xanh,
lan dài trên quãng đồng không mông quạnh như là một thách đố đối với
người lính du kích của mặt trận. Tiếng hát trở thành một biểu tượng cho
niềm kiêu hãnh và bất khuất của người lính đã, đang và sẽ chiến đấu cho tự
do của dân tộc. Tiếng hát là khí hùng thiêng liêng của sông núi được hun
đúc từ mấy ngàn năm qua và mãi mãi trường tồn với tổ quốc. Người lính
du kích của mặt trận có thể pháo vào đồn, có thể bắn sẻ, đặt mìn, gài lựu
đạn hay làm bất cứ điều gì để giết chết họ nhưng không thể nào dập tắt
được ý chí quật cường và lòng yêu nước thiết tha của họ.