NHỮNG BÍ ẨN CỦA CUỘC ĐỜI
Nguyễn Hữu Kiệt
Chương 23: Khía Cạnh Của Luật Nhân Quả
Trước đây, chúng ta đã thấy trường hợp của người nhạc sĩ mù, mà nguyên
nhân là do bởi kiếp trước, trong một bộ lạc dã man ở Ba Tư, ông đã lấy dùi
sắt nhọn nung đỏ chọc vào mắt những kẻ tù binh để hành tội những người
này. Trong trường hợp này, người ta sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao ông lại chịu
trách nhiệm về những phong tục bổn xứ hồi đương thời? Tại sao một người
phải bị quả báo trong khi ông chỉ thừa hành chức vụ mà xã hội giao phó cho
ông?"
Thí dụ, hồi xưa nước Pháp dùng những đao phủ quân để hành tội những
phạm nhân trên đoạn đầu đài. Người đao phủ ấy chỉ là một công chức của
Nhà Nước và làm việc ăn lương của chính phủ. Có thể nào người ấy bị quả
báo khi ông thừa hành chức vụ chém đầu tội nhân do luật pháp bắt buộc
chăng? Nếu là không, thì tại sao người đao phủ của bộ lạc dã man nước Ba
Tư hồi thời cổ, lấy dùi sắt nung đỏ chọc vào mắt tù binh của một bộ lạc cừu
địch, lại phải chịu quả báo? Trước đây chúng ta đã thấy rằng không phải
hành động gây nên nghiệp quả mà chính là cái nguyên nhân làm động lực
bên trong cho hành động ấy, chính cái tinh thần bên trong làm chủ động cho
mọi việc làm, mới là cái nguyên nhân tạo nên nghiệp quả. Ngoài ra, còn có
vấn đề trách nhiệm chung, hay nghiệp quả công cộng, nghĩa là nếu một xã
hội có những tập quán xấu xa, độc ác gây nên đau khổ cho nhiều người
thuộc về xã hội đó đều phải chia xẻ một phần nào trách nhiệm và quả báo
của xã hội ấy gây nên. Theo ý nghĩa của nền luân lý thông thường, nếu
những hành vi tàn bạo như sát phạt, giết chóc, gây thương tích cho kẻ khác,
tuyệt đối là những điều ác dữ, thì tất cả những người nào thuộc về thành
phần của xã hội tàn bạo đó đều phạm tội, nếu không trực tiếp thì cũng gián
tiếp. Tội ác đó càng tăng nếu họ biết rằng phong tục tập quán đó là độc ác,
mà họ vẫn tiếp tục tán thành và không làm gì để trừ bỏ những thói tàn bạo
hung ác ấy. Và nếu họ trực tiếp nhúng tay vào những hành động hung dữ ấy,
thì tội ác của họ càng tăng hơn nhiều.