Cũng trong ngày này, Ủy Ban Bảo Vệ Hiến Chương họp tại chùa Ấn
Quang giới thiệu Thích Minh Trang thuộc chùa Pháp Vương cắt ngón tay
lấy máu viết 3 bức thư gửi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thư Ký
Liên Hiệp Quốc U Thant và Tổng Thống Johnson phản đối việc chuẩn y
Hiến Chương mới của Phật Giáo.
Ngày 10.10.1967, Thượng Tọa Thích Trí Quang, "theo lời yêu cầu của Hòa
Thượng Thích Tịnh Khiết," đã tuyên bố tạm trở về chùa trong khi chờ đợi
chính phủ tìm biện pháp thu hồi Hiến Chương cũ.
4.- Hoạt động trên và ngoài luật pháp.
Sau cuộc đấu lý và đấu trí với chính quyền, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang
nhận thấy họ không thể thắng được. Uy tín và lực lượng của Giáo Hội Phật
Giáo Ấn Quang cũng đã giảm suy nên không thể dùng bạo động như các
lần trước. Xin thành lập một Giáo Hội mới thì coi như bị thua cuộc và
không phải chuyện dễ dàng, vì những năm về sau, miền Nam đã có Quốc
Hội, mọi đạo luật đều phải do Quốc Hội thông qua. Cuối cùng, Giáo Hội
Phật Giáo Ấn Quang quyết định hoạt động trên và ngoài luật pháp, theo
một Hiến Chương cũ đã bị hủy bỏ do điều 2 Sắc Luật số 23/67 ngày
18.7.1967. Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang chỉ quy tụ được 8 giáo phái và
hiệp hội Phật Giáo, theo Hiến Chương đã bị hủy bỏ, bầu lại Viện Tăng
Thống và Viện Hóa Đạo như sau : Tăng Thống : Hòa Thượng Thích Tịnh
Khiết, Chánh Thư Ký : Thượng Tọa Thích Đức Nhuận. Viện Trưởng Viện
Hóa Đạo : Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Phó Viện Trưởng : Các Thượng
Tọa Thích Thiện Minh, Thích Pháp Tri và Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký :
Thượng Tọa Thích Huyền Quang.
5. Những tranh chấp quyền hành trong nội bộ.
Ngoài những tranh chấp với chính quyền, với Công Giáo và các tông phái
Phật Giáo khác, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang còn phải đối phó với những
rạn nứt trong nội bộ do sự tranh chấp quyền hành.
* Sự bất bình của giới cư sĩ
Nhân Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang khai mạc đại hội vào ngày 20.8.1968,
Cư sĩ Chân Như Đặng Sĩ Khả đã viết bài "Đại chúng quyền" đăng trên nhật
báo Saigon Mới ngày 2.8.1968, chỉ trích mạnh mẽ sự độc quyền lãnh đạo