một chiến lược và chiến thuật nào cả. Họ đã lầm tưởng rằng nếu hoạt động
chống đối của họ có bị đàn áp hay truy tố như năm 1966 thì chỉ các Phật tử
phải gánh chịu, còn các tăng sĩ sẽ vẫn bình an vô sự vì đã được chiếc áo
thầy tu che chở. Với ý nghĩ như vậy, một số tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn
Quang đã thản nhiên hoạt động như dưới thời chế độ cũ.
● Chờ xuất đầu lộ diện
Trước hết, Giáo Hội Ấn Quang quyết định triệu tập một Đại Hội Phật Giáo
Toàn Quốc kỳ 7 tại chùa Ấn Quang trong ba ngày từ 21 đến 23.1.1977 với
đầy đủ đại diện Phật Giáo các tỉnh miền Nam về tham dự. Trước quyết định
này, nhà cầm quyền Cộng Sản chưa có biện pháp đối phó quyết liệt vì các
lý do sau đây :
1 - Công an chưa nhận diện được đầy đủ và chính xác các thành phần có
khả năng lãnh đạo các cuộc chống đối trong Giáo Hội Ấn Quang từ trung
ương đến địa phương.
Tại miền Bắc, khi muốn bắt các thành phần ưu tú có khả năng lãnh đạo
trong Giáo Hội Công Giáo, nhà cầm quyền phải cung cấp cho một số giáo
xứ và giáo phận Công Giáo tiền và phương tiện để những nơi này tổ chức
các nghi lễ tôn giáo to lớn và qua công việc tổ chức đó, công an có thể nhận
diện được các thành phần ưu tú nói trên rồi sau đó bắt đi cải tạo hoặc cô
lập. Trong vụ Thiên An Môn vào tháng 5 năm 1989, công an Trung Quốc
cũng đã kéo dài vụ rối loạn, chờ cho các phần tử chống đối tưởng thời cơ
đã đến, xuất đầu lộ diện, sau đó mới dẹp tan cuộc nổi loạn và bắt đi thủ tiêu
những thành phần bị coi là nguy hiểm cho chế độ.
Cộng Sản quan niệm rằng bắt hết các thành phần có khả năng lãnh đạo
trong các tôn giáo thì dù tín đồ có bất mãn đến mức nào cũng không nổi
loạn được vì không ai lãnh đạo. Việc Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang tổ
chức Đại Hội là một cơ hội tốt cho công an theo dõi và lập danh sách các
thành phần "phản động" phải thanh toán sau này.
2.- Công an chưa huấn luyện xong các tăng sĩ mật vụ có khả năng lãnh đạo
Phật Giáo và gài vào mọi cơ cấu Phật Giáo từ trung ương đến địa phương.
Khi chưa hoàn thành công tác này thì chưa thể tổ chức một Giáo Hội Phật
Giáo quốc doanh được.