chấp thuận yêu cầu bổ sung thêm quân, kể cả việc huy động lực lượng tân
binh.
Nhưng sau đó vào ngày chủ nhật, mồng 10-3-68, tờ Thời báo New York đã
đăng tải một bài báo nêu chính xác yêu cầu tuyển thêm 206.000 quân. Một
ai đó, không phải tôi, tôi phải nói một cách đáng tiếc như vậy, đã để rò rỉ
con số trên, cùng với phần lớn nội dung bản báo cáo của Wheeler và cuộc
tranh luận đang diễn ra trong thâm cung Lầu Năm Góc vào lúc đó. Bài báo
của Neil Sheehan và Hedrick Smith là một quả bom tấn. Sau vài ngày bày
tỏ sự lo ngại về những tin đồn đại bổ sung quân kiểu như vậy, Fulbright nói
thẳng rằng theo quan điểm của ông Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ không hề có
một giá trị gì hết. Lần đầu tiên ông đã bày tỏ niềm tin của mình rằng Quốc
hội đã thông qua nghị quyết đó một cách ép buộc do những thông tin lừa
dối và rằng ông cảm thấy việc bảo trợ cho nghị quyết đó là hành động hối
tiếc nhất của ông kể từ khi ông tham gia vào hệ thống công quyền.
Không khí phản đối đã không ngăn được quyết định tăng quân của Tổng
thống. Tuy nhiên, rõ ràng sau vụ rò rỉ thông tin ngày 10-3-68, Johnson
không thể cho phép việc triển khai quân như vậy một cách công khai mà
không gây nên sự chống đối quyết liệt. Trước đó, điều này chưa gây nên
vấn đề gì cho ông ta bởi vì chưa bao giờ ông ta công khai tuyên bố kế
hoạch leo thang chiến tranh. Chắc hẳn ông ta đã nhận định rằng trong
trường hợp này, cũng giống như các trường hợp trước đây, ông ta có thể
thành công trong việc leo thang chiến tranh từng bước một, một cách bí
mật và người ta không thể biết mức độ của sự leo thang có thể đến đâu.
Việc rò rỉ thông tin về yêu cầu bổ sung lượng quân 206.000 là dấu hiệu đầu
tiên cho thấy ông ta không thể "ém" vấn đề này một lần nữa.
Thoạt tiên tôi rất ngạc nhiên vì cú sốc mà vụ rò rỉ thông tin đã gây ra cho
các nghị sỹ và phản ứng của họ đã làm tôi bối rối.