Với tôi, ngôn ngữ điệu bộ cũng giống ngôn ngữ nói vậy. Nó là một hình
thức giao tiếp đàm thoại hết sức tự nhiên. Vì tự nhiên, nên nó có thể trở
thành một phương pháp cực kỳ hiệu quả. Nhưng hãy thận trọng, nếu ngôn
ngữ cơ thể xuất phát từ sự giả tạo hay sao chép gượng gạo thì nó sẽ không
có tác dụng. Thậm chí điều này rất tệ hại khi người khác trông bạn thật
buồn cười và lố lăng. Dù không phải là kẻ xấu nhưng sự giả tạo sẽ biến bạn
trở thành một người không thành thật trong mắt người khác. Bạn sẽ chẳng
ưa gì tôi nếu tôi bắt chước giọng nói và dáng vẻ của ngài Laurence Oliver
đáng kính, đúng không? Và nếu một sớm mai thức dậy, tôi muốn bắt chước
cách nói chuyện giống các diễn viên kịch Shakespeare, chắc hẳn tôi sẽ bị
cười nhạo cho xem. Do vậy, tôi phải luôn tự hỏi rằng cử chỉ, điệu bộ của tôi
khi trò chuyện có là đặc trưng của riêng tôi hay không. Cho dù không hoàn
hảo đi nữa thì nó cũng chính là ngôn ngữ của tôi. Và tôi tự hào về nó!
Ngôn ngữ điệu bộ là như thế. Bạn có thể rút ra co mình một kinh nghiệm
giao tiếp qua cử chỉ một cách tự nhiên nhất. Hãy biến chúng thành của bạn!
Hãy nói từ trái tim bạn một cách trung thực nhất. Nếu muốn học hỏi những
điều hay từ người khác thì hãy tham khảo và ứng dụng một phần nhỏ nào
đó thôi. Đừng biến bạn trở thành bản sao của họ.
NÓI NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ
Ngày nay, từ cấm kỵ (taboo) đã vơi bớt nặng nề vì càng ngày chúng ta
càng cởi mở hơn với những tư duy, quan điểm mới. Trên màn ảnh, truyền
hình hay sách vở, có nhiều điều cấm kỵ đã cất cánh bay đi bởi chúng không
còn hợp thời. Thập kỷ 90 khác với 50 hay 60, thế kỷ 21 thông thoáng hơn
thế kỷ 20. Những giá trị từ quá khứ không phải là sai, đơn giản là nó không
còn phù hợp nữa ở thời kỳ mới, thế thôi. Trong phim "Cuốn theo chiều
gió", Clark Gable vai Rhett Buttler nói với Vivien Leigh vai Scarlett
O'Hara rằng: "Tiểu thư ơi, thật ra tôi có chửi rủa ai đâu". Đến ngày nay thì
cuộc trao đổi của họ quả đã trở nên bình thường rồi đấy.