Không phải chỉ khi bắt đầu và kết thúc câu chuyện, mà trong suốt thời
gian nghe và nói, bạn nên tập thể hiện cảm xúc, mối liên hệ của mình qua
đôi mắt. Một đôi mắt có hồn sẽ giúp bạn có sức lôi cuốn hơn rất nhiều, dù
giao tiếp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ tình huống nào và nói chuyện với bất cứ
ai đi chăng nữa. Tôi luôn nhìn người đối diện đang trò chuyện một cách
thật tự nhiên để thể hiện sự quan tâm đến họ.
Vấn đề mấu chốt kế tiếp là, như tôi đã đề cập, bạn phải chăm chú lắng
nghe. Lắng nghe bằng đôi tai và thể hiện sự quan tâm bằng đôi mắt. Cũng
cần nhớ rằng mặc dù việc nhìn người khác rất quan trọng, nhưng đừng vì
thế mà nhìn họ trừng trừng như muốn ăn tươi nuốt sống người ta nhé! Điều
này rất khiếm nhã. Ai đó nhìn bạn như thế bạn có khó chịu không? Suy
bụng ta ra bụng người mà thôi.
Thỉnh thoảng trong khi nói bạn có thể rời mắt khỏi người đối diện, nhưng
đừng đưa mắt lên không trung một cách lơ đễnh như thể bạn chẳng màng
nhìn gì cả. Nếu bạn đang ở một buổi tiệc thì đừng đưa mắt láo liên ra xung
quanh như đang muốn tìm một ai đó quan trọng hơn để nói chuyện thay vì
người ngồi cạnh bạn.
Lời khuyên của tôi về vấn đề này là: Hãy để tâm tới việc sử dụng ngôn
ngữ đôi mắt của bạn thay vì chỉ biết nói và nói huyên thuyên nhưng vô
cảm.
NGÔN NGỮ ĐIỆU BỘ
Tại các phiên tòa xử án, bồi thẩm đoàn luôn chú ý kỹ đến những cử chỉ,
điệu bộ của bị cáo. Edward Bennett Williams, một trong những luật sư tài
danh nhất nước Mỹ có lần nói với tôi rằng ông rất quan trọng ngôn ngữ
điệu bộ (Body language). Cộng sự của Edward là Louis Nizer còn đưa ra
một quan điểm rằng ông quan sát những cử chỉ tay chân, điệu bộ của bị cáo
rồi liên hệ với bản chất vụ việc để có thể tìm ra những điểm chung nào đó
mang giá trị tham khảo bổ sung vào hồ sơ.