Đầu у to tướng, nhưng hễ hơi động một tí là cái mũ sắt bóng nhoáng
của y lại lúc lắc muốn rơi. Cho nên mỗi lúc y chạy đuổi theo hành khách qua
đường không theo đúng luật lệ, đi qua phố mà mồm vẫn ngang nhiên ngậm
tẩu thuốc lá phì phèo, thì y lại phải vội vàng giữ khư khư chiếc mũ trong tay.
Bọn trẻ con chúng tôi khoái chí cười theo, nhảy nhót, song hễ thấy y trợn
mắt ngoái lại, là bỗng nhiên im bặt, lờ đi như không có chuyện gì xảy ra.
Šimr vốn người Đức, quê ở Šlukov. Cho đến nay, giá y còn sống, tôi xin cam
đoan y nói tiếng Tiệp vẫn dở lắm. Nhưng y vẫn thường khen lấy khen để:
“Đấy, các ngài xem, tôi mới học một năm,...”
Lần ấy, lão Vojtíšek kẹp chiếc mũ vải bên nách trái, tay phải thọc sâu
vào túi chiếc áo màu xám và dài thượt. Tận đằng xa, lão đã cúi chào Šimr
và, theo thói quen, lão nói trước: “Lạy chúa lòng thành!” Šimr giơ tay chào
lại.
Lão Vojtíšek rút trong túi áo ra cái ống thuốc làm bằng vỏ cây phơi
khô, kéo móc da để mở nắp rồi đưa mời viên cảnh sát Šimr. Y hít một liều
thuốc rồi bảo:
“Lão chắc cũng già rồi nhỉ? Bao nhiêu rồi?”
“À,” ông Vojtíšek mỉm cười, “đúng ra thì cũng sắp 80 năm rồi kể từ
ngày cha tôi lấy làm vui mà sinh ra tôi.”
Bạn đọc nào theo dõi kỹ chắc sẽ ngạc nhiên, tại sao ăn mày lại dám nói
năng với cảnh sát những lời suồng sã như vậy mà cảnh sát lại để yên. Giá
người khác ở nhà quê lên, hoặc những người không quen biết, thì đừng hòng
y bỏ qua cho. Đó là chưa kể đến oai phong quyền thế của cảnh sát thời bấy
giờ! Họ đâu có phải như những người khác mà bảo suồng sã sao cũng được.
Họ là ông Novák, ông Šimr, ông Kedlický, và ông Weisse; hàng ngày họ
thay phiên nhau kiểm soát đường phố. Ông Novák người Slabec, tầm vóc
nhỏ nhắn thường hay đứng trước các cửa hàng vì thích rượu mận; ông Šimr
béo phị; ông Kedlický ở Vyšehrad, hay cau có, khó tính nhưng lại tốt bụng;
và cuối cùng ông Weisse người Rožmitál, dáng to cao, dõng dạc, có bộ răng
vàng khè. Có thể nói là nhân dân khu phố biết rõ lai lịch từng người: quê