suýt bị phá sản. Và cho tới bây giờ, những người tử tế ở Malá Strana nhìn
“người bị phá sản” bằng con mắt khác hẳn so với người ở nơi khác.
Ông Rybář vẫn bình thản đi tiếp, hơi nhanh hơn một chút so với lệ
thường. Nách trái ông kẹp một trong những chiếc hộp màu đen mà người ta
thường kể nhiều về chúng. Ông kẹp cái hộp vào mình, chặt đến mức mà cái
mũ cầm trong tay như dính vào chân. Trong tay phải ông là chiếc ba toong
có tay cầm bằng ngà voi. Cứ theo đó thì thấy là ông đang đi chơi thăm ai, vì
những lúc khác không bao giờ ông mang ba toong. Khi có người chào, ông
nhấc gậy chào lại và huýt sáo to hơn mọi ngày.
Ông đi hết phố Ostruhová, qua quảng trường Thánh Mikuláš rồi bước
vào nhà ông Žambecký, lên tầng ba gặp ông Mühlwezel, giáo sư trường
trung học, nhà toán học và khoa học tự nhiên. Ngày đó, người có kiến thức
như vậy là người khác thường. Nhưng ông Rybář đã không dừng lâu ở đó.
Giáo sư Mühlwenzel lúc đó đang vui vẻ thoải mái. Cơ thể to béo của ông
vừa được nghỉ ngơi sau giấc ngủ trưa. Những sợi tóc bạc dài của ông vén
quanh đầu, tủa ra mọi phía. Cặp mắt xanh đầy sức sống và thiện cảm của
ông sáng lên. Đôi má vốn hồng hào của ông nóng rực. Trên đôi má to và
hiền hậu ấy có đầy nốt rỗ vì thủy đậu, và đó là điều mà giáo sư thường đem
ra để pha trò. “Chuyện đời là vậy,” ông nói, “khi cô gái cười mà có một lúm
đồng tiền thì người ta bảo là đẹp, nhưng khi tôi cười, tôi có tới hàng trăm
lúm đồng tiền mà người ta lại bảo là xấu!”
Giáo sư mời ông Rybář ngồi vào ghế bành rồi hỏi: “Nào, tôi có thể giúp
ông được cái gì?”
Ông Rybář thận trọng đặt chiếc hộp lên bàn rồi mở ra. Các viên đá sáng
loáng lộ ra. “Tôi muốn... tôi chỉ muốn biết... cái này... đáng giá bao nhiêu.”
Ông lắp bắp rồi ngồi xuống, chống cằm vào tay cầm của chiếc ba toong.
Giáo sư Mühlwenzel xem các viên đá. Sau đó, ông lấy ra một viên tối
màu, để trong tay và chìa ra chỗ sáng ngắm nghía.
“Đây là đá moldavite,” ông nói.