giống như con tê giác cọ lưng vào cây. “Tôi là nhạc công điên điên giống
như người kia kìa,” vừa nói, anh ta vừa chỉ ngón cái qua vai về phía sau,
theo hướng đến cửa ở giữa hành lang, rồi từ cười chuyển sang ho rũ rượi.
“Anh Augusta là họa sĩ đấy,” vợ người nhân viên đường sắt nói.
Từ phía sau hành lang, một đứa bé trai cỡ tám tuổi chạy đến, chắc nó ra
khỏi phòng vì nghe thấy tiếng cười và tiếng ho. Đứa trẻ đứng dựa vào người
họa sĩ và chăm chú nhìn tôi.
“Đây là cháu nhà anh à?” Tôi hơi lúng túng hỏi.
“Vâng, Pepík của tôi đấy. Chúng tôi ở căn hộ phía bên phải sân, như
anh ở chỗ này phía bên trái sân. Chúng ta sẽ nhìn thấy nhau qua cửa sổ.”
“Đây là ai thế?” Pepík hỏi và chỉ ngón tay về phía tôi. Tôi yêu cách nói
năng đơn giản, không quanh co vòng vèo của trẻ con.
“Đây là luật sư Krumlovský, đồ vô lễ ạ.”
“Thế ông ấy sẽ ở đây à?”
“Này Pepík, cháu có muốn một đồng xu không?” Tôi hỏi và vuốt mái
tóc sáng màu của nó.
Đứa trẻ lẳng lặng chìa tay.
Tôi nghĩ là tôi đã gây được ấn tượng tốt đối với mọi người.
Ngày hôm ấy là một ngày vất vả bận rộn! Chuyển nhà, mở đồ đạc rồi
xếp đặt, nhiều việc đến chóng mặt. Tôi không hay chuyển nhà và không
thích chuyển nhà; nhưng nghe nói có nhiều người ưa chuộng việc ấy... Cái
đó thật là căn bệnh đặc biệt, họ chắc hẳn phải là những người không ổn
định. Nhưng một điều không thể chối cãi được là ngay cả việc chuyển nhà
cũng có cái nên thơ. Khi căn hộ cũ bắt đầu vợi đồ đạc và trở nên trống trải
thì tự nhiên ta cảm thấy nhớ nhung hối tiếc, cảm thấy như mình rời một bến
cảng bình an để rơi vào sóng dữ. Và căn hộ mới thì xa lạ, lạnh nhạt và chẳng
có gì để nói với ta. Tôi cảm thấy mình như đứa trẻ nhỏ đứng nép vào mẹ
trong một căn phòng không quen thuộc: “Mẹ ơi con sợ!” Nhưng sáng hôm