mới là đẹp, thế mà tất cả các cô đều đòi chú phải vẽ mắt cho thật to, lông
mi thật dài, lông mày thật cong và mồm thì thật nhỏ. Rốt cục, chú phát
chán và cứ vẽ theo lời các cô đề nghị. Nghĩ cho cùng thì như thế tiện hơn vì
chú tránh được những cuộc cãi vã vô ích mà chú lại càng dễ dàng làm việc.
Cô nào cũng muốn vẽ như nhau cho nên chú làm sẵn một cái mẫu.
Chú lấy một mảnh bìa cứng cắt một đôi mắt thật to, một cặp lông mày
thật cong, một cái mũi thẳng rõ xinh, một đôi môi mỏng dính, một cặp má
lúm đồng tiền, hai cái tai nhỏ nhắn ở hai bên, một mái tóc ở bên trên và một
cái cổ gầy nhẳng ở dưới với đôi bàn tay có những ngón thon dài.
Hình mẫu làm xong, chú chuẩn bị vẽ tranh hàng loạt. Tại sao chú lại gọi
như vậy? Các bạn xem đây sẽ rõ. Sau khi đặt hình mẫu lên trang giấy, chú
chỉ việc đưa bút vẽ lên các bộ phận đã cắt khác nhau và mỗi thứ lại dùng
một màu riêng biệt: màu đỏ thắm để bôi môi, màu nhạt để vẽ mũi, tai và
bàn tay, màu nâu và vàng để vẽ tóc, màu xanh và nâu để vẽ mắt và thế là
bức phác họa đã hoàn thành. Chú đem phân loại các bức phác họa ấy. Cô
nào thích vẽ mắt xanh và tóc nhạt thì chú chọn bức phác họa mắt xanh và
tóc nhạt, chú chỉ việc vẽ thêm vào tí chút cho giông giống và thế là bức
chân dung đã xong xuôi. Chú lại làm sẵn cả những bức phác họa cho các cô
tóc nâu và mắt nâu nữa. Chưa bao giờ Thuốc Nước vẽ nhiều chân dung
trong một thời gian ngắn như thế, cho nên chú đã nảy ra một sáng kiến kỳ
diệu: với cái hình mẫu mà chú đã cắt, – dĩ nhiên là hình mẫu phải do họa sĩ
cắt mới được, – thì bất cứ ai cũng có thể chuẩn bị các bức phác họa cho
chú. Chú đã nhờ Ngộ Nhỡ giúp việc cho chú. Ngộ Nhỡ làm rất thành thạo,
các bức phác họa của chú cũng giá trị ngang với những bức của Thuốc
Nước và nhờ sự phân công đó mà công việc làm lại còn nhanh hơn. May
cái là số tranh đặt vẽ không giảm đi mà lại ngày càng tăng lên. Ngộ Nhỡ rất
tự hào về nghề nghiệp mới của chú và nói luôn miệng:
“Chúng mình là họa sĩ đấy”.