Ruben David Gonzalez Gallego
NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN
Dịch giả:Phương Hoài
ÔNG GIÀ TUYẾT
Mùa xuân. Tôi ngồi với một người bạn. Hai học sinh lớp cuối ngồi trên xe
lăn. Cậu bạn hút thuốc. Hút mà không giấu điếu thuốc trong lòng bàn tay,
không canh chừng giáo viên đi ngang. Các thầy cô cũng chẳng hề để ý đến
cậu, họ để mặc cho cậu hút thuốc, mặc cậu muốn làm gì thì làm. Đàng nào
thì cậu cũng mắc một chứng bệnh về cơ. Bệnh phát triển rất nhanh. Chẳng
ai biết cậu còn sống được bao lâu. Bạn tôi gặp may. Mùa xuân này cậu sẽ
được đón về nhà. Vĩnh viễn.
- Ruben, cậu biết không, năm vừa rồi ông già tuyết thật rởm.
- Cậu không sao đấy chứ? Ông già tuyết nào đâu? Năm nay cậu bao
nhiêu tuổi rồi?
Người bạn hút nốt điếu thuốc, dùng nó để mồi điếu khác. Những ngón tay
mảnh dẻ, sạch sẽ cẩn thận bỏ đầu mẩu vào bao diêm. Cử động chính xác, từ
tốn. Tôi chẳng thể làm như vậy được.
- Ruben, cậu không hiểu rồi. Lần đầu tiên tớ bị ốm nặng vào dịp Tết,
hồi đó tớ vẫn còn chưa đi học. Khi đó tớ vẫn chưa biết mình bị bệnh gì. Bố
mẹ tớ mời ông già tuyết đến. Ông ấy đến rất muộn. Tớ thao thức, mọi
người hứa sẽ cho tớ gặp ông già tuyết. Mẹ tớ bước vào phòng, thấy tớ chưa
ngủ, liền bật đèn trên cây thông. Bố tớ mời ông già tuyết ra bếp nhưng ông
đến chỗ tớ ngay. Ông nhìn thấy thuốc men trên tủ đầu giường, nhìn thấy
cặp nạng. Ông nói với bố tớ “Chúng ta biết làm gì ngoài bếp? Hãy uống
bên cây thông. Đàng nào phiên trực của tôi cũng hết rồi”. Họ bê bàn, mang
vodka và đồ nhắm từ bếp vào. Thật tuyệt. Họ cũng không bắt nhau đọc thơ.
Tớ được uống nước chanh. Họ uống xong một lượt, ông già tuyết tháo râu.
Một ông già tuyết đôn hậu, tên là bác Petia. Mà làm gì có ông già tuyết
không say.
Tôi hiểu ra. Tôi nhớ tới những ông già tuyết trong đời mình. Già và trẻ, đàn
ông và đàn bà. Ông già tuyết là cô giáo dạy văn của chúng tôi, những ông