Vậy, nhìn khái lược về lịch sử biến động của vùng đất Hà Giang cho đến khi thuộc về
Việt Nam và trải qua các thời kỳ, có thể thấy, lịch sử địa lý của một quốc gia hiện đại, ở đây
là trường hợp Việt Nam, cái mà cho đến ngày nay, chúng ta cứ luôn tưởng tượng rằng là đã
rắn chắc từ cột cờ Lũng Cú đến mũi Cà Mau, là “không gì có thể đổi thay”, thực chất, là
biến động và co dãn theo thời gian. Cao nguyên đá Đồng Văn cũng vậy, chỉ là một “kiến
tạo mới”, mang màu sắc địa-văn hóa khi khối cao nguyên ở đây, gồm bốn huyện Quản Bạ,
Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, do cùng một diện địa mạo, nên được nhóm lại, liên lết
thành một khối, được Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010.
Việc chọn lựa một địa bàn nghiên cứu dân tộc học nói chung hay dân tộc học văn học
nói riêng, bao giờ cũng mang tính chủ đích và được tiến hành cân nhắc. Mà dù vì bất kỳ lí
do gì, với nhà dân tộc học, khu vực được chọn lựa và gắn bó nghiên cứu bao giờ cũng là
“lý tưởng” đối với ý đồ, điều kiện và khả năng hoạt động của hắn ta. Vì thế, gắn với mỗi
nhà nghiên cứu tộc người thiểu số, bao giờ cũng vậy, thường là một vùng đất cụ thể. Thân
phận dân tộc học, vì thế, là thân phận đính kèm vùng đất, thân phận địa-suy tưởng. Và từ
cái cụ thể của quan hệ địa - tộc người, các nhà dân tộc học mới tiến hành mở rộng ra cái
khái quát là toàn thể không gian xã hội của tộc người, nói theo cách của Condominas. Vì
thế, từ người Mnông Gar ở Sar Luk, Condo mới mở rộng cái nhìn ra tổng thể không gian xã
hội vùng Đông Nam Á. Dournes nhìn người Jörai và Tây Nguyên ở trong quan hệ với toàn
cõi Đông Dương. Cuisinier, Từ Chi chọn người Mường Hòa Bình để đi sâu vào các cơ tầng
Việt - Mường bản địa... Hành vi quan sát từ cái cụ thể đến cái khái quát, là tiến triển theo
trục dọc, để sau đó, xoay vòng trở lại, nới rộng theo chiều ngang các suy tư, nối kết, ghép
khảm các ý tưởng; từ đó, nhằm dựng nên các khái quát trên diện rộng từ kiểm chứng cái
tồn tại cụ thể. Tất cả, đan bện vào nhau, làm thành nhiều vòng nhận thức tộc người. Đấy là
một trong những cái cách (méthode) mà dân tộc học tiếp cận gần các bản chất.
Theo một lối quan sát khá quen thuộc của dân tộc học, như thế, nhằm xác lập để xây
dựng những điểm tựa cần thiết tạo thành các vòng tròn nhận thức về tộc người. Vậy, tôi
chọn điểm sơn dã ở Hà Giang với bốn huyện vùng cao thuộc khối cao nguyên đá làm khu
vực tập trung nghiên cứu
. Từ đấy, mở rộng ra so sánh với các điểm địa lý nhân văn khác
của người H’mông ở khắp Việt Nam trong phạm vi có thể. Trong cái nhìn của tôi, vốn chịu
ơn những suy tư gợi mở từ Hồng Thao, Hà Giang được lựa chọn làm điểm tựa cho hoạt
động dân tộc học văn học, là vì, nó khá tương thích cho mô hình làm việc của tôi. Điều đó,
chủ yếu gói vào những lí do sau đây:
[1] Theo những hiểu biết dân tộc học có thể tin được, thì Hà Giang chính là nơi đầu
tiên người H’mông truyền vào Việt Nam (cách đây khoảng trên dưới 300 năm). Vì thế, ký
ức tập thể của người H’mông tại Việt Nam lưu lại đậm đặc nhất có lẽ là ở Hà Giang
.