lạc quan đã cho biết dân ca H’mông về cơ bản đã được giới thiệu toàn diện (NMT nhấn
mạnh ; Doãn Thanh 1984: 13).
Với khoa folklore, việc xuất hiện rất nhiều dị bản trong quá trình nghiên cứu không
phải là một gánh nặng mà hơn thế, đấy là một thuận lợi. Những dị bản sẽ bộc lộ thế mạnh
của nó khi được xếp chồng lên nhau, để làm nổi cấu trúc (phương pháp chồng văn bản).
Như thế, thông qua rất nhiều văn bản dân ca đã sưu tập được cho đến lúc này, hy vọng tìm
ra một được cấu trúc tâm thức H’mông lại càng trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, khi chọn dân
ca để nghiên cứu tâm lí H’mông, tôi đã luôn ý thức một điều sâu sắc, đó là, hiện hữu dân ca
thì luôn rất đậm nét trong xã hội H’mông truyền thống. Nhưng ngày nay, khi nhiều thứ đã
đổi thay, phần đông thanh niên H’mông không biết hát và thổi các loại nhạc cụ. Trên thực
địa, nếu không phải ngày hội lễ, thật quá hiếm hoi mới bắt gặp thanh niên nam nữ H’mông
hát những bài dân ca. Bảng điều tra năm 1989 được dẫn trong sách của tác giả Trần Hữu
Sơn đã cho thấy người H’mông gần đây thực đã rời xa tiếng hát (Trần Hữu Sơn 1996).
Trong trường hợp này, một nghiên cứu theo hướng điều tra những dữ liệu được cung cấp từ
dân ca, tồn tại trong xã hội như khoa xã hội học truyền thống sẽ trở nên bất lực. Chính
trong tình thế trở ngại và phức tạp của vấn đề nghiên cứu dân ca H’mông trình hiện ra
trước mắt, trong hiện thời, khi cái tồn tại xã hội của dân ca quay mặt lại và tỏ vẻ bất lợi thì
phương pháp mà nghiên cứu này theo đuổi và thực hành, sử dụng phân tích tâm lí chiều sâu
tộc người và khai thác vô thức văn bản sẽ bộc lộ những mặt mạnh của nó. Khi phần đông
những người H’mông ngày nay (nhất là người H’mông trẻ) không còn thông thạo dân ca,
thì không có nghĩa dân ca đã mất hết ý nghĩa đối với người H’mông. Dân ca đã nuôi dưỡng
người H’mông qua hàng ngàn năm lịch sử, đã hằn vào ký ức cộng đồng hệ thống
archétypes kiến tạo nên “cá tính H’mông”
. Thế nên, bóc tách từ vô thức dân ca H’mông,
sẽ chạm vào cấu trúc làm nên cá tính H’mông đặc thù. Hệ cá tính H’mông được tìm kiếm
từ kho tàng văn chương dân gian tộc người sẽ giúp soi sáng hành động tộc người, động cơ
chính trị ở đời.
Ngoài ra, kể cả cho đến ngày nay, khi những quan sát dân tộc học bề ngoài như trang
phục, nhà cửa, đồ dùng... đã có rất nhiều thay đổi, thì với người H’mông, yếu tố dân ca vẫn
tỏ ra còn bảo lưu được ít nhiều, đặc biệt là trong đám tang. Tang ca vẫn được cất lên đều
đặn mỗi khi người H’mông qua đời. Những manh mối còn sót lại này của văn hóa tộc
người, kêu gọi chúng ta một thái độ phải hết sức chắt chiu tận dụng.
Có rất nhiều cách phân loại dân ca H’mông
, tất cả đều là phân loại theo chủ đề. Tôi
chọn cách phân loại theo chủ đề của nhóm Doãn Thanh, bởi đấy là cách phân loại của
chính người H’mông về kho tàng dân ca của mình (Doãn Thanh 1984: 8)
. Theo đó,
người H’mông chia dân ca của tộc người làm năm chủ đề chính: 1/ Tiếng hát tình yêu, 2/
Tiếng hát cưới xin, 3/ Tiếng hát mồ côi, 4/ Tiếng hát làm dâu và 5/ Tiếng hát đám ma - Tang