nhiều phương diện, rốt cục là nhằm hướng đến khái quát nên hệ thống những đặc điểm
trong tâm thức tập thể tộc người, gói vào trong bộ từ khóa (key words) xác lập “cá tính
H’mông” ở đời - phần làm thành quan niệm nhân sinh: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân
- tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự tử, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người,
quyền lực miền núi. Sự tiến triển của nghiên cứu này, vì thế, là một nỗ lực xoay quanh phát
hiện, xác lập và làm sáng bộ từ khóa đã kiến tạo “cá tính H’mông” trong lịch sử.
Nhưng như vậy thì phải chăng nghiên cứu này đã hàm ý nhấn quá mạnh vào loạt hệ
thống những khác biệt. Cái khiến H’mông chỉ có thể là H’mông! Tìm kiếm một căn cước
H’mông không lẫn lộn? Điều này, ở Việt Nam hiện nay, thường trùng với sự “ca ngợi”, “tô
đậm” có phần thái quá và đầy siêu hình về cụm từ “bản sắc”, và kéo theo đó là niềm tin duy
ý chí “bảo tồn, phát triển bản sắc dân tộc”. Cho dù, “bản sắc” thường hiện lên là một cái gì
mang tính tưởng tượng và mù mờ, chung chung không rõ hình dạng. Vậy, phải chăng, ở
đây lại sẽ tái lặp một tiếp diễn của tâm thế “thơ ngây” ca tụng chủ nghĩa dị biệt
(différentialisme) khi quan sát tộc người. Sự thực thì, không thể tồn tại một văn hóa làm
thành từ những dị biệt. H’mông không là ngoại lệ. H’mông là một sự tiến triển, biến đổi và
kiến tạo văn hóa trong suốt quá trình lịch sử xuyên biên giới dài lâu. Vì thế, để tránh một sự
hiểu lầm đáng tiếc, nghiên cứu này cố gắng tìm kiếm một bộ từ khóa nhằm xác lập, qui
định căn cước H’mông ở đời. Đồng thời, nó cũng đã không quên liên tục cố gắng so sánh
hệ đặc điểm cá tính H’mông với văn hóa đa dạng của các tộc người ở miền núi Việt Nam.
Và vì thế, không có gì là sự dị biệt đến khu biệt. Sự dị biệt cũng bao hàm tính “phổ biến”
nhất định của nó. Sự dị biệt, vì thế, được hiểu là thành tố nổi trội ở tộc người này, nhưng là
không nổi trội ở tộc người khác, dù chung lại, nhiều tộc người đều sở hữu, cùng chia sẻ
những sự kiện xã hội ấy. Tất cả, chung và riêng, xối trộn và đan cài, làm thành hình ảnh
quen thuộc của dân tộc học: một bức khảm văn hóa miền núi.
Và bạn có thể tự tìm thấy trong nghiên cứu này, như là mong muốn của tôi, sẽ không
có sự phấn khích thái quá với những “khác biệt” mà “chỉ H’mông mới có”. “Lí người
H’mông”, “lí người Thái” hay “lí người Cống”... những cái lí tộc người ấy, do vậy, vừa có
những khác biệt đồng thời lại chia sẻ những tương đồng đáng kể. Trong quan sát của tôi,
cái lí (logos) của tộc người, gồm cả phần giống và khác, tổng thể ấy tạo thành căn cước,
bản sắc của tộc người. Cái lí tộc người ấy, do vậy, là một kiến tạo chứ không cố định, bất
biến, có từ “xa xưa” trong “văn hóa truyền thống” đầy mơ hồ mang tính chất tưởng tượng
tập thể. Cái lí ấy là sự tái cấu trúc liên tục chất liệu khi tộc người phải xê dịch vì tị nạn
chính trị, tìm kiếm sinh kế, liên kết hay va chạm trong cộng cư với các tộc người lân cận.
Tuy nhiên, dẫu sao thì vẫn phải nhận thấy, đứng trước cùng một sự kiện gay cấn, mang tính
xung đột hay bước ngoặt của số phận cộng đồng, mỗi nhóm đã có một cách hành xử không
giống nhau. Bộ từ khóa được tìm kiếm trong nghiên cứu này, do vậy, hi vọng làm tỏ hơn