979) (Cadière 2010: 107-109) (Tạ Chí Đại Trường 2006)... Thậm chí, người phụ nữ Việt
còn tham gia gián tiếp cả vào tổ chức xã hội lưỡng hệ (Insun Yu 1998), hay tổ chức làng xã,
cái mà Từ Chi coi là biểu hiện của "nền dân chủ làng mạc" (Nguyễn Từ Chi 2003: 252,
306). Nhưng quan trọng hơn cả, đấy là, địa vị người phụ nữ Việt luôn được luật pháp phong
kiến thừa nhận, bảo trợ, điều hầu như khó có thể tìm ra ở Trung Quốc (Insun Yu 1994: Phần
II; Lee Seon Hee)
. Mặc dù tôi chưa tìm thấy bằng chứng đề cập tới người phụ nữ Việt
trực tiếp tham gia vào các quyết định của bộ máy cai trị làng xã, nhưng như ghi nhận của
Nguyễn Tùng thì đã có trường hợp người phụ nữ được ngồi trong đình, trung tâm quyền
lực, chính trị, tín ngưỡng làng xã (Papin-Tessier 2002: 123), còn Nguyễn Văn Huyên hơn
thế cho biết, một số xã ở châu thổ, người phụ nữ có địa vị ở đình làng ngang hàng người
đàn ông (2003a: 618). Dù đình, như đã biết, xuất hiện khoảng thế kỷ XIV ở Việt Nam khi
nhà nước quân chủ quyết định chọn lựa đi theo mô hình Hán hóa cao độ. Điều ấy đồng
nghĩa với việc cấu trúc lại xã hội theo luân lí Nho giáo trọng nam khắc nghiệt Trung Hoa.
Tuy thế, rất thú vị, ở Việt Nam nhiều ngôi đình thành hoàng lại là phụ nữ (Lê Thị Nhâm
Tuyết 1973: 65). Nhưng dẫu sao, trong cấu trúc làng xã người Việt, không tìm thấy quyền
lực thế tục trực tiếp của người phụ nữ trong bộ máy cai trị làng xã. Trái lại, ở xã hội
H’mông, vai trò trực tiếp của người phụ nữ (bà cô) với chính trị tộc người là rõ nét. Điều
thú vị sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau. Ngoài ra, một điểm mà người phụ nữ H’mông
và Việt tương đối giống nhau là đã có những ghi nhận chứng thực về việc nắm giữ ruộng
đất và tài sản của các nữ địa chủ H’mông và Việt trong xã hội truyền thống. Ở người Việt,
đã thấy xuất hiện các nữ địa chủ vừa và nhỏ ở miền bắc như ghi nhận của Nguyễn Văn
Khánh (Papin-Tessier 2002: 213) và Kleinen (Kleinen 2007: 48). Ngoài ra, Đại Nam Thực
Lục chính biên (đệ nhị kỷ, q.90) còn thấy ghi trường hợp gọi là hiếm có về điền chủ giàu có
miền trung, bà quả phụ Nguyễn Thị Khiết và con trai Lê Mậu Điều ở Quảng Trị, năm 1838,
xin đốt văn tự nợ cho người dân, tính cả đến hơn 200 lạng bạc, 34.000 quan tiền, 370 hộc
thóc (Nguyễn Thế Anh 2008a: 87-88)
. Ở người H’mông, nảy sinh sự kiện tương tự, theo
tư liệu thực địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Giang được cung cấp bởi Giàng Seo
Gà, trong xã hội H’mông truyền thống ở Sa Pa - Lào Cai, xuất hiện hai nữ địa chủ (tý chứ)
nổi tiếng ở Tả Phìn là Giàng Chin Mỷ và Giàng Thị Dần (Nguyễn Trường Giang 2011: 80)