Mới hơn năm giờ sáng mà tiếng huyên náo vang vang khắp nơi. Người cầm
xuổng, kẻ vác cuốc, sẻng hoặc những vật dụng dành cho việc đào xới, dân
chúng lũ lượt kéo nhau ra bờ kinh. Người này đào, người kia xắn, người nọ
khiêng, vừa la hét, cười nói họ vui vẻ làm việc không ngưng tay. Đất được
đổ thành đống cao nghệu chờ xe ủi đất xúc lên xe chở đi chỗ đã được ấn
định để đắp thành núi cao đồi thấp.
Mặc bà ba đen, mang giày ba ta, đầu đội chiếc nón đi rừng Ngọc Thụy
đứng nhìn người ta làm việc. Chỗ nàng đứng chỉ cách ngã ba kinh Vĩnh Tế
với sông Tà Keo chừng vài trăm thước. Bây giờ đang mùa mưa cho nên
nước chảy mạnh nhất là gần ngã ba. Tà Keo là một con sông bắt nguồn sâu
từ trong đất Miên rồi chảy nhập vào sông Hậu cách thị xã Châu Đốc chừng
cây số. Gió thổi lai rai làm cho không khí dịu bới đôi chút dưới ánh nắng
mặt trời lên cao. Nghe tiếng kẻng vang vang Ngọc Thụy giơ tay xem đồng
hồ. 9 giờ sáng. Giờ nghỉ tay để mọi người có thể hút điếu thuốc và uống
chén nước trà giải lao mười lăm phút xong trở lại làm việc tới mười một
giờ rưởi mới nghỉ nửa giờ để ăn trưa. Mười hai giờ họ trở lại làm việc cho
tới hai giờ rưởi mới được nghỉ xả hơi mười lăm phút rồi tiếp tục làm cho
tới năm giờ chiều. Cứ như thế họ làm sáu ngày một tuần lễ và chỉ được
nghỉ ngày chủ nhật mà thôi. Đúng ra thời họ chỉ làm năm ngày nhưng vì
tình thế khẩn trương vả lại dân chúng cũng muốn làm để kiếm tiền nên họ
không phàn nàn khi phải làm thêm một ngày nữa.
Đình Anh và Ngọc Thụy đứng cạnh nhau bên dòng kinh Vĩnh Tế. Nắng xế
chiều dọi xuống dòng kinh nhiều phù sa thành màu vàng đục.