Chu Sa Lan
Những Kẻ Bất Khuất
Chương 12
Dân chúng nhất là những người am hiểu về chính trị và quân sự tuy không
ngạc nhiên nhưng họ vẫn bàng hoàng khi báo chí, đài truyền thanh và
truyền hình loan báo về cuộc triệt thoái của quân khu 1 khỏi miền trung.
Phải mất hơn bốn tháng tướng Trưởng và ban tham mưu của bộ tư lệnh
quân khu 1 mới thi hành được kế hoạch rút lui dưới áp lực nặng nề của địch
quân. Với một tổn thất được xem như là nhẹ ông ta cùng toàn bộ lực lượng
trực thuộc đổ bộ lên Quy Nhơn lập phòng tuyến mang tên Lực Lượng Đặc
Nhiệm 1 lấy quốc lộ 19 làm ranh giới mới của Việt Nam Cộng Hòa. Bộ tư
lệnh của tướng Trưởng đóng ở Quy Nhơn. Sư đoàn 1 chịu trách nhiệm bảo
vệ an ninh các quận An Nhơn, Tuy Phước, Văn Canh và Tây Sơn. Sư đoàn
2 đóng ở An Khê. Sư đoàn 3 đóng ở Mang Giang dài lên tới Pleiku, còn sư
đoàn 22 của tướng Niệm được trả lại cho quân khu 2. Thủy quân lục chiến
trở thành lực lượng tổng trừ bị của bộ tổng tham mưu. Sự có mặt của ba sư
đoàn bộ binh, bốn liên đoàn biệt động quân cộng thêm thiết giáp, pháo binh
khiến cho quân khu 2 của tướng Hiếu có một lực lượng đông đảo không
kém địch về quân số. Tuy nhiên các sĩ quan cao cấp của Lực Lượng Đặc
Nhiệm 1 và của quân khu 2 không quá lạc quan dù họ có trong tay năm sư
đoàn bộ binh và 9 liên đoàn biệt động quân. Lính nhiều thời phải bắn nhiều
mà đạn lại hiếm. Lính nhiều thời phải ăn nhiều, mặc nhiều mà những thứ
đó đều hiếm và quý. Từ đôi giày, cái nón sắt, cây thông nòng súng cho tới
chai dầu chùi súng. Sĩ quan các cấp phải nhắc binh sĩ tiết kiệm tối đa.
Tiểu đoàn 2 của trung đoàn 5 thuộc sư đoàn 2 bộ binh do thiếu tá Bình chỉ
huy được lãnh cái vinh dự đóng chốt tử thủ đèo An Khê. Nằm ở độ cao sáu
trăm mét so với mặt biển, đoạn đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dài sáu
cây số này là một vị trí cực kỳ hiểm yếu trên quốc lộ 19. Con đường dài
một trăm bảy mươi mốt cây số, xuyên rừng qua núi, lên đèo xuống dốc này