người anh của nàng một mất tích, một tử trận trong lúc theo đơn vị rút khỏi
Xuân Lộc. Điều đó khiến cho má của nàng buồn và sức khỏe suy giảm.
Cũng may nhờ có nàng và Đình Anh thay phiên nhau an ủi và chăm sóc
cho nên bà sớm bình phục và vui vẻ sống với đứa con gái út của mình. Sau
thời gian khổ công tìm kiếm nàng đã tìm ra ba má của Bạch và Hải ở Phú
Quốc. Chị Mai và ba đứa con theo chồng về sống ở quận Tri Tôn. Đình
Anh vẫn làm việc ở bộ tổng tham mưu còn nàng trở thành cô giáo của
trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Không con cái lại thêm có sẵn
nhà cửa nên hai vợ chồng tạm đủ sống với đồng lương eo hẹp trong thời
buổi kinh tế khó khăn và vật giá leo thang hằng ngày. Những gia đình giàu
có ở Sài Gòn di tản xuống Cần Thơ hoặc các người ở miền tây bắt đầu bỏ
nước ra đi. Không chịu nổi sự thiếu thốn về vật chất nhất là viễn ảnh đen
tối của đất nước họ bỏ tiền ra mua ghe thuyền vượt biển tìm tự do ở ngoại
quốc. Chánh phủ không những không ngăn cấm mà còn giúp đỡ họ bằng
cách ra lệnh cho tàu hải quân hộ tống hay chỉ đường cho họ tới các quốc
gia lân cận như Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai Á hoặc Nam Dương. Tuy
nhiên người đi nhiều thời người đến cũng nhiều. Sau hơn một năm sống
dưới chế độ cộng sản người dân ở miền Trung, Vũng Tàu, Sài Gòn vượt
biên tìm tự do càng lúc càng thêm đông đảo. Có người ở tận ngoài Huế, Đà
Nẳng dùng ghe đánh cá vượt ngàn cây số vào tận Cà Mau hay Bến Tre. Có
người ở Cái Bè đã dùng xuồng ba lá vượt qua sông Tiền để trốn sang Vĩnh
Long. Thậm chí có nguyên gia đình dùng bè thả trôi trên sông Tiền. Họ
may mắn được tàu hải quân cứu vớt.
- Em nghĩ gì vậy?
Nghe chồng hỏi Ngọc Thụy cười buồn.
- Em nhớ lại hồi còn đi học... Nhớ lúc mới gặp anh...