Nicolas Vassilievitch Gogol
Những linh hồn chết
Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
PHẦN II - Chương thứ nhất
Hơi đâu mà cứ miêu tả mãi cảnh sinh hoạt nghèo nàn và thấp kém của dân
ta, đào bới những nhân vật này nọ ra từ những xó xỉnh hẻo lánh, từ những
nơi thâm sơn, cùng cốc? Biết làm thế nào được nếu bản tính tác giả vốn dĩ
như vậy, và vì tác giả có ý thức bệnh hoạn về sự kém cỏi của mình, cho nên
không dám miêu tả gì hơn là những khía cạnh đáng buồn của cuộc đời và
những con người sống ở tỉnh xép như một cái hang? Và đây, chúng ta lại
ghé vào một xó xỉnh hẻo lánh, chúng ta lại gặp một nơi thâm sơn, cùng cốc
rồi. Nhưng xó này, nơi này cũng mới đáng chú ý làm sao!
Như bức trường thành đồ sộ của một đồn lũy khổng lồ có nhiều góc nhọn,
có cửa để súng, một dãy đồi chạy ngoằn ngoèo kéo dài trên nghìn dặm. Nó
oai nghiêm mọc lên, sừng sững trên những cánh đồng bao la, khi thì là một
sườn núi thẳng đứng bằng đá vôi pha sét, chằng chịt những lỗ khoét và
những hố đào; khi thì lại là một quả đồi cỏ xanh ngoạn mục, phủ những bụi
cây rậm như một lớp lông cừu; lại có khi đó là những khu rừng sum suê do
một sự may mắn kỳ dị nào đã thoát khỏi những nhát rìu của tiều phu. Đôi
khi một dòng sông men theo chân dãy đồi, uốn khúc theo từng chặng lồi
lõm, hoặc lảng xa ra phía các đồng cỏ, lượn quanh một lúc, rồi mất hút
trong các khóm cây trăn, cây bạch dương, cây hoàn diệp liễu; đoạn đắc
thắng thoát ra cùng với những cầu, những cối xay nước, những đập, có vẻ
như cùng chạy trốn với sông qua những đoạn rẽ ngoặt.
Ở một nơi nào đấy, trên sườn đồi dốc đứng, cây cối xanh tươi lại càng thêm
rậm rạp. Nhờ có tay người trồng trọt thêm và do sự chênh lệch về độ cao,
các loài thực vật phương Bắc và phương Nam đã tập hợp lại cùng một chỗ.
Cây sồi, cây thông, cây lê dại, cây bạch dương, cây anh đào, cây mận
hoang, cây kim tước, cây thanh lương trà chéo cành với cây hốt bố, khi thì