chín Gôgôn mang về nước để xuất bản. Ngày 12 tháng 11 bản thảo nộp cho
Ủy ban kiểm duyệt Mạc tư khoa và dĩ nhiên là gặp ngay phải vô số khó
khăn. Nhờ phu nhân Xmirnôva và mấy bạn vương công thần thế bảo trợ
văn học, Những linh hồn chết mới được phép in, chỉ phải chữa lại đoạn
nói về đại úy Kôpêikin.
Ngày 23 tháng 5 năm 1842, Những linh hồn chết xuất bản lần thứ nhất. Tờ
Người đương thời, trong bài phê bình, đã suy tôn tác giả cuốn sách là đệ
nhất văn hào Nga; quả là một danh hiệu chính đáng; từ trước Biêlinxki vẫn
nói rằng Puskin sớm chết thì Gôgôn đã thay vào chỗ mà Puskin để lại trong
văn học Nga.
Với những điều hiểu biết của một nghệ sĩ thiên tài, Gôgôn đã “vẽ lại cuộc
đời với bộ mặt thật của nó”, và cái bộ mặt của xã hội Nga với các tầng lớp
thống trị của nó thời ấy là ghê tởm; thì Gôgôn đã bắt các đại diện của
chúng ta, “giật bộ trang phục mỹ lệ và cái mặt nạ anh hùng” của chúng, bắt
chúng “đem thân cho thiên hạ mua cười”.
Chỉ với Những linh hồn chết, sự nghiệp của Gôgôn cũng đã xứng đáng đặt
ngang hàng với sự nghiệp của một nhà văn lớn khác của thế giới:
Xervantex với bộ Đông Kisôt. Thuộc thể tiểu thuyết phê phán và châm
biếm phong tục, – thể tiểu thuyết Picaret theo thuật ngữ văn học, do cái từ
Tây Ban Nha picarô, chỉ tên bịp bợm, mà ra, – thì Những linh hồn chết
của Gôgôn, Đông Kisôt của Xervantex và Những di văn của câu lạc bộ
Pickuych của Dickenx là ba kiệt tác đứng hàng đầu trong văn học thế giới,
và so với các tác phẩm cùng thể tài châm biếm ấy thì Những linh hồn chết
đậm tính chất chân thực, gần với cuộc đời hơn cả.