cuối. Họ diễn Églé, Pygmalion, Thiên tinh, chẳng có gì trụ nổi. Riêng
Thầy bói làng quê chịu được sự so sánh, và còn hơn thế nữa sau vở
Serva padrona
. Khi soạn màn xen giữa các hồi, đầu óc tôi chứa đầy
những vở trên; chính những vở đó mang lại cho tôi ý tưởng, và tôi
không hề dự liệu rằng mọi người sẽ duyệt lại chúng bên cạnh vở của
tôi. Giả sử tôi là một kẻ đạo nhạc, thì khi ấy biết bao nhiêu đoạn ăn
cắp sẽ trở nên rành rành, và người ta sẽ lưu tâm biết mấy để làm cho ai
nấy thấy rỏ! Nhưng chẳng có gì hết: họ đã cố song vô hiệu, họ không
tìm thấy trong nhạc của tôi một gợi nhớ nhỏ nhoi về bất kỳ thứ nhạc
nào khác; và mọi ca khúc của tôi, so sánh với những ca khúc tự nhận
là nguyên bản, đều mới mẻ y như tính chất âm nhạc tôi đã sáng tạo.
Nếu như người ta đặt Mondonville
hay Rameau vào thử thách tương
tự, họ sẽ chỉ tơi tả mà ra khỏi đó.
Hề kịch tạo ra cho âm nhạc Ý những tín đồ rất nồng nhiệt. Toàn
Paris chia thành hai phái còn kích động hơn cả trường hợp đây là vấn
đề quốc gia hay vấn đề tôn giáo. Một phái, mạnh hơn, đông hơn, gồm
những bậc quyền quý, những người giàu có và phụ nữ, ủng hộ âm
nhạc Pháp; phái kia, hăng hái hơn, kiêu hãnh hơn, nhiệt tình hơn, gồm
những người thực sự am tường, những người có tài, những bậc kỳ tài.
Tốp nhỏ của họ tụ họp tại Nhà hát Nhạc kịch, bên dưới khán phòng
của Hoàng hậu. Phái kia ngồi kín phần còn lại của khán đài và sảnh
đường; nhưng trung tâm điểm chính ở bên dưới khán phòng của Đức
Vua. Vì thế mà có những cái tên gọi các phe phái nổi tiếng thời ấy,
Góc của Vua và Góc của Hoàng hậu. Cuộc tranh cãi, sôi nổi lên, tạo
ra những tập sách mỏng. Góc của Vua định đùa cợt; nó bị Tiểu tiên
tri
chế nhạo: nó định nói lý nói lẽ; nó bị Bức thư về âm nhạc Pháp
đè bẹp. Hai văn phẩm nhỏ này, một của Grimm, còn một của tôi, là
những văn phẩm duy nhất còn sống sót sau cuộc tranh cãi; tất cả
những văn phẩm khác đều đã chết.